Những năm gần đây, các vụ án mạng từ nguyên nhân xã hội ngày càng gia tăng. Có vụ án mạng nghiêm trọng đôi khi chỉ xuất phát từ những nguyên nhân hết sức nhỏ nhặt.
Bị nhắc nhở trong lúc hát karaoke, hai thanh niên đã ra tay tàn độc với hàng xóm
Sau những cuộc vui...
Đang hát karaoke thì bị hàng xóm nhắc nhở, thay vì ngừng hát để mọi người xung quanh được nghỉ ngơi, Liêm và Sĩ hung hãn dùng hung khí đuổi theo đến tận ki-ốt để ra tay tàn độc và cướp đi sinh mạng của bị hại chỉ vì “dám đến nhắc nhở”. Đó là câu chuyện đau lòng xảy ra khoảng 18 giờ ngày 7-10-2018.
Chiều tối, La Văn Liêm (SN 1988, quê Bạc Liêu) cùng người em vợ là Trương Văn Sĩ (SN 1988, quê Bạc Liêu) và 6 người bạn khác ở chung khu trọ tổ chức ăn nhậu và hát karaoke bằng loa thùng di động gây ồn ào. Khoảng 21 giờ 20 phút cùng ngày, anh Nguyễn Văn Phước (SN 1990), đến nhắc nhở Sĩ và Liêm dừng hát để cho hàng xóm nghỉ ngơi. Liêm và Sĩ không những không nghỉ hát mà còn cự cãi, đâm anh Phước tử vong.
Vụ án Phạm Văn Hiếu (SN 1996, quê Quảng Bình) giết chủ quán karaoke cũng bắt nguồn từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong khi hát hò. Theo đó, khoảng 0 giờ ngày 19-12-2017, Hiếu và nhóm bạn kéo đến quán karaoke Q. tại phường Bình Hòa, TX.Thuận An để ăn uống và hát hò. Trong lúc vui vẻ, Hiếu phát sinh mâu thuẫn với nhân viên phục vụ và chủ quán là ông L.V.T. (SN 1974) nên bị ông T. dùng cây ba khúc đuổi đánh. Hiếu dùng dao đâm nhiều nhát vào vùng lưng, bụng, mông của ông T. làm ông T. ngã bất tỉnh trước cổng quán. Ông T. sau đó được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng đã tử vong do vết thương quá nặng. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Hiếu mức án 13 năm tù.
Cũng một vụ án liên quan đến chuyện giành bài hát khi hát karaoke, tại phiên tòa chiều 20-8-2019, bị cáo Trần So Ni cúi đầu nhận tội, bày tỏ ân hận vì hành vi hung hăng của mình. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong lúc hát karaoke, So Ni đã cướp đi sinh mạng của người bạn chung phòng mà anh ta từng chia sẻ buồn vui. 17 năm tù về tội “giết người” là hình phạt cho gã thanh niên “nóng tính” và hung hãn này...
Và những mâu thuẫn vụn vặt khác
Câu chuyện sau đây lại càng khiến nhiều người ngán ngẩm hơn vì lý do gây án của bị cáo. Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Văn Chinh 7 năm tù về hành vi giết người chưa đạt. Vào khoảng 19 giờ ngày 6-2-2019, anh Đinh Văn Lượng (SN 1982, quê Thanh Hóa) đưa vợ và hai con đến chúc tết nhà anh Trần Xuân Biên (SN 1984, ngụ phường Thái Hòa, Tân Uyên). Khoảng 21 giờ tối, anh Biên tiễn gia đình anh Lượng ra về.
Tuy nhiên khi đứng trước cửa nhà Nguyễn Văn Chinh (SN 1980, quê Thanh Hóa, là hàng xóm đối diện nhà anh Biên), anh Lượng kể cho anh Biên nghe chuyện làm ăn của mình, từ đó “chê” khách hàng người Thanh Hóa làm ăn không đàng hoàng về tiền bạc. Câu chê trách mang tính vùng miền này đã vô tình lọt vào tai vị hàng xóm nhà bên cũng là người Thanh Hóa. Chinh bước ra gây sự, từ đó giữa Chinh và Lượng phát sinh cự cãi. Chinh vào hiên nhà lấy một cây búa bằng kim loại chém một nhát vào trán anh Lượng gây lún sọ trán phải, máu tụ ngoài màng cứng...
Còn nhiều vụ án mạng khác bắt nguồn từ những ghen tuông, nghi ngờ, hờn giận vô căn cứ, những va chạm giao thông không quá nghiêm trọng hay chỉ vì cái “cụng ly” quá mạnh lúc nhậu. Khi nói về những vụ án nghiêm trọng xảy ra trong những năm gần đây, một kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh lắc đầu ngao ngán kể lại câu chuyện hai anh em ruột chỉ vì một cái bánh mà xảy ra án mạng. Người em “lỡ” ăn mất cái bánh ngọt người anh mua cho bạn gái, từ đó phát sinh cãi vã, xô xát. Kết cục là người em đâm chết người anh trong cơn tức giận vì bị “gây sự”. Người mẹ già chứng kiến con mình đứa thì vào tù, đứa thì vĩnh viễn rời xa cõi đời. Chỉ vì một cái bánh, chỉ vì một câu nói đùa không đúng chỗ, chỉ vì ghen tuông, chỉ vì “ánh nhìn đểu” hay bị xúc phạm vùng miền... mà nhiều bị cáo, đặc biệt là đang độ tuổi thanh thiếu niên đã ra tay tàn bạo, tước đi sinh mạng của người khác một cách dễ dàng.
Nói về nguyên nhân và giải pháp đối với tình trạng tội phạm giết người từ các nguyên nhân xã hội ngày càng gia tăng, tiến sĩ Đoàn Văn Báu, một chuyên gia tâm lý tội phạm từng tham gia các lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại Bình Dương với tư cách là báo cáo viên, cho rằng: Gần đây những vụ án cố ý gây thương tích, giết người ngày càng gia tăng, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tôi nghĩ, có nhiều nguyên nhân như: Áp lực cuộc sống từ việc gia tăng dân số cơ học, công việc khó khăn... từ đó con người dễ nảy sinh mâu thuẫn. Nhiều người không nhận biết, thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, làm phát sinh mâu thuẫn, không giải quyết mâu thuẫn theo hướng tích cực, dẫn đến tích tụ, phát sinh hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó là vấn đề ám thị xã hội khi truyền thông, mạng xã hội liên tục đăng tải hành vi bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn vụn vặt... Khi có mâu thuẫn, hình ảnh đầu tiên xuất hiện chính là dùng bạo lực giải quyết nên dễ làm phát sinh tội phạm.
“Để giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật, tôi nghĩ cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc định hướng nhân cách cho giới trẻ, đặc biệt là bộ phận thanh thiếu niên. Đối với cá nhân, cần hạn chế tối đa phát sinh mâu thuẫn, khi có mâu thuẫn cần giải quyết theo hướng triệt để tích cực. Cần kiềm chế cảm xúc khi tranh luận, giải quyết mâu thuẫn. Đối với gia đình, bố mẹ cần dạy con kỹ năng kiềm chế cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn.
Về phía nhà trường cần tăng cường dạy kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Toàn xã hội phải chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật, tập huấn kỹ năng xử lý tình huống mâu thuẫn, tập trung vào đối tượng dễ phát sinh mâu thuẫn như học sinh, công nhân, người lao động”, tiến sĩ Đoàn Văn Báu nói.
Tiến sĩ Đồng Văn Toàn, Giám đốc chương trình đào tạo tâm lý học, Trưởng khoa Sư phạm, trường Đại học Thủ Dầu Một: Gần đây tình hình trật tự xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, có nhiều án mạng đáng tiếc xảy ra xuất phát từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống. Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nó xuất phát từ những nguyên nhân sau: Nhận thức của chủ thể bị sai lệch về hành vi ứng xử do áp lực của công việc và cuộc sống; thiếu hụt về niềm tin, cảm xúc, tình cảm và lối sống không lành mạnh, lệch chuẩn về nhận thức và hành vi; thiếu kỹ năng ứng xử trước những tình huống đơn giản gặp phải trong xã hội; thiếu sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ với mọi người trong cuộc sống. Thế hệ thanh thiếu niên ngày nay dễ dàng bị ảnh hưởng bởi phim ảnh tiêu cực, internet, game online... trong khi áp lực trong cuộc sống, căng thẳng, trầm cảm, stress... ngày càng gia tăng. Nguyên nhân tiếp theo cũng rất quan trọng là khi một bộ phận giới trẻ dùng chất kích thích như ma túy, rượu, bia... khiến thể chất, tinh thần không còn khỏe mạnh, tỉnh táo, từ đó làm hạn chế nhận thức và hành vi của con người. Mặt khác, do thiếu hiểu biết về pháp luật, buông lỏng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách và chưa có sự định hướng, phối hợp có hiệu quả giữa giáo dục gia đình - nhà trường - xã hội. Để hạn chế những mâu thuẫn trong đời sống, những vụ án mạng nghiêm trọng phát sinh từ các nguyên nhân xã hội thì công tác tuyên truyền pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân phải được ngành chức năng tăng cường hơn nữa. Phải tạo nhiều sân chơi lành mạnh, giảm áp lực, giảm stress trong công việc và cuộc sống. Xây dựng môi trường văn hóa, giao tiếp ứng xử lành mạnh, phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc. Tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần quản lý và kiểm soát tốt các phương tiện truyền thông, tránh để những vấn đề tiêu cực “lây lan”, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Lực lượng an ninh nhân dân, chính quyền địa phương, cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên... Phải gần dân, hiểu dân, và có cách ứng phó nhanh, kịp thời khi có mâu thuẫn xảy ra. |
TÂM TRANG