Việt Nam đang là điểm đến dành cho các nhà thu mua có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung, hình thành chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt trước những biến động của thị trường. Các doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương cần tận dụng cơ hội để phát triển.
Lãnh đạo ngành công thương trao đổi về cơ hội hợp tác phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa với đối tác tại diễn đàn Horasis Trung Quốc 2024
Doanh nghiệp chủ động
Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành gỗ, nội thất, nhiều nhà mua hàng quốc tế đang tìm kiếm những nhà cung cấp mới tại Việt Nam và một số nước khu vực châu Á. Nhờ vậy, thời gian gần đây những DN ngành gỗ Bình Dương có khá nhiều đơn hàng làm sản phẩm mẫu của các khách hàng mới. Tuy vậy, để thực hiện lộ trình này đòi hỏi sự kiên trì theo đuổi.
Theo ông Tạ Thanh Hội, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quang Hiệp Tiến (TP. Tân Uyên), nếu tạo được sự khác biệt, vượt trội về thiết kế cũng như có giá cả cạnh tranh, DN có thể sẽ ký được những đơn hàng lớn hơn. Điều này đỏi hỏi nỗ lực, kiên trì rất lớn của DN bởi việc làm hàng mẫu cần rất nhiều công sức, tỉ mỉ, trong khi biên lợi nhuận lại kém hơn so với các đơn đặt hàng số lượng lớn khác.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho rằng các DN trong ngành đang đi từng bước nhỏ, tự thiết kế rồi phối hợp với các nhà thiết kế nước ngoài, đón đầu xu hướng thị trường để có giá trị gia tăng tốt hơn. Ông Liêm cũng thừa nhận số lượng DN thực hiện chưa nhiều vì khá tốn kém chi phí, thiếu nhân lực. Một yếu tố quan trọng khác là giá thành sản phẩm phải thật sự cạnh tranh. Điều này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của chính nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối mà còn là cả chuỗi cung ứng các nhà cung cấp linh, phụ kiện để làm ra sản phẩm.
Ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An), cho biết để giữ vững được đơn hàng trong năm 2024, các DN luôn duy trì mục tiêu làm đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, chuyển đổi sản phẩm nhanh, mang tính thời trang. Tuy nhiên, thực tế đặt ra là để đáp ứng yêu cầu từ khách hàng, DN phải có những thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ giúp các DN trong ngành dệt may giảm chi phí, nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm chất lượng phù hợp với xu hướng.
Tại tọa đàm kết nối các nhà phân phối và đầu mối thu mua quốc tế tại Viet Nam International Sourcing 2024, do Bộ Công thương tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh trung tuần tháng 4 vừa qua, theo đại diện các DN thu mua nước ngoài, để chọn lựa nhà cung cấp họ còn phải xem xét năng lực sản xuất của DN có đủ lớn, sản phẩm có sự ổn định về chất lượng. Một yếu tố khác khá quan trọng là DN phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, sạch từ nguyên liệu đầu vào. Quá trình sản xuất phải cắt giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, tái chế chất thải…
“Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, các DN dệt may cần phải đẩy mạnh triển khai mô hình phát triển bền vững. Cụ thể là đáp ứng nhu cầu lao động, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập, quan hệ lao động hài hòa, quản trị rủi ro, đa dạng nguồn nguyên phụ liệu, cắt giảm chi phí, giảm rác thải”, ông Phan Thành Đức cho biết.
Cơ hội kết nối cao
Ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam, cho biết trong chiến lược của mình, DN đang chú trọng và chọn những nhà cung cấp có xu hướng phát triển sản xuất xanh. Chẳng hạn như với sản phẩm chuối, DN sẽ chọn những nhà cung ứng sản xuất ít phát thải ra môi trường. Hay sản phẩm cà phê chọn từ những DN bảo đảm công bằng thương mại tại nơi thu mua.
“DN Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm tiêu dùng tại thị trường nội địa nhưng vẫn gặp khó khăn nhất định khi sản xuất hàng xuất khẩu. Để tăng sản lượng xuất khẩu, ngoài sản phẩm tươi, Việt Nam cần phát triển thêm các sản phẩm chế biến. Khi tham gia các vào mạng lưới cung ứng cho các tập đoàn phân phối đa quốc gia, DN cũng sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của hệ thống và từng thị trường. Quan trọng là DN phải sẵn sàng chuyển đổi để đạt được mục tiêu vươn ra thế giới”, ông Yuichiro Shiotani khuyến nghị.
Với thị trường Mỹ, ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng Phát triển nhà cung cấp khu vực châu Á của Walmart, thông tin nhà bán lẻ này xác định Việt Nam là địa điểm thu mua chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thời gian qua, Walmart đã thu mua và nhập khẩu giá trị khoảng 7 tỷ đô la Mỹ hàng hóa Việt Nam. Hiện có khoảng 500 DN từ Việt Nam đang cung cấp hàng cho siêu thị. Tuy nhiên, đa phần là các DN FDI, DN thuần Việt chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chủ yếu là nhà cung cấp thứ cấp. Lượng hàng Việt bán ở Walmart không ít nhưng đa phần thông qua DN thứ 3. Các DN Việt Nam cần chủ động hơn trong tìm hiểu thông tin và đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail, cho biết hiện tại 95% hàng hóa phân phối trong siêu thị của Central Retail đến từ các nhà cung ứng Việt Nam, với rất nhiều sản phẩm đặc trưng như tôm, cá, xoài cát, cà phê, bún miến… Ngoài việc thu mua cung cấp cho thị trường Việt Nam, Central Retail còn mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thế giới thông qua hệ thống siêu thị ở nước ngoài. Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các hệ thống phân phối, DN cần tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ở từng thị trường đích khác nhau. Bên cạnh đó, DN cũng cần có sự đầu tư cho bao bì, mẫu mã và thương hiệu có thể khẳng định sự hiện diện của hàng Việt trên thị trường quốc tế.
KHẢI ANH