Kết nối, mở rộng thị trường cho sản phẩm địa phương

Cập nhật: 18-02-2023 | 07:27:11

Năm 2023, trước những khó khăn thị trường, hoạt động kết nối giao thương giữa các địa phương được đẩy mạnh để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nhằm phát triển bền vững.

Mở thêm “cánh cửa”

Trong năm 2023, thị trường hàng hóa tiếp tục gặp nhiều thử thách với dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao và các vấn đề địa chính trị, xung đột, thiên tai, dịch bệnh… Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, hợp tác xã liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Bước tiếp những thành công từ những nỗ lực kết nối hàng hóa sau dịch bệnh Covid-19, ngành công thương cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất, kinh doanh tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt với các tỉnh thành lân cận, khu vực Đông Nam bộ để tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, tương đồng về văn hóa, cơ hội phát triển.


Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải (bìa phải) thăm gian hàng kết nối cung cầu của Bình Dương tại một hội chợ ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: TIỂU MY

Chị Bùi Thị Đoan Phượng, cơ sở lạp xưởng Cô Giáo Phượng (huyện Bàu Bàng), cho biết cuối năm 2022, cơ sở tham gia nhiều hội chợ được tổ chức tại các địa phương Đông Nam bộ. Qua các hội chợ tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu vực giới thiệu các sản phẩm hàng hóa dịch vụ đến người tiêu dùng. Thông qua các hội chợ giúp sản phẩm của cơ sở có thêm nhiều cơ hội kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, cũng như tiếp cận, mở rộng các đại lý, nhà phân phối trong khu vực Đông Nam bộ.

“Đây là năm đầu tiên cơ sở sản xuất tham gia chương trình kết nối cung cầu hàng hóa với sự hỗ trợ từ các sở, ngành, địa phương. Thông qua chương trình, cơ sở sản xuất mong có thêm điều kiện, cơ hội tiếp xúc với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời mong muốn các chương trình được thông tin, quảng bá nhiều hơn nữa để người tiêu dùng biết đến các mặt hàng thế mạnh, thương hiệu của địa phương”, chị Phượng cho biết.

Các DN chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp chế biến, thủ công mỹ nghệ, máy móc thiết bị cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh cũng rất nhiệt tình tham gia các hội chợ kết nối hàng hóa các tỉnh lân cận. Ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty Cổ phần Nghệ Năng (TP.Thuận An), cho biết thông qua các chương trình, hội nghị kết nối giao thương với các chuỗi bán lẻ, các địa phương, công ty có dịp giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến các khách hàng, đối tác tiềm năng. Đây cũng là dịp để công ty kết nối sản phẩm với các đơn vị sản xuất công nghiệp. Đông Nam bộ là thị trường có rất nhiều đối tác tiềm năng.

Ở chiều ngược lại, nhằm tăng cơ hội cho các DN, cơ sở trong khu vực, ngành công thương Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương tổ chức Bình Dương Expo, với chuỗi sự kiện kết nối cung cầu hàng hóa Bình Dương, các tỉnh vùng Đông Nam bộ với các hệ thống phân phối và các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương), cho biết thêm chương trình Bình Dương Expo là sự kiện thường niên của tỉnh. Năm 2023, chương trình dự kiến mở rộng thêm nhiều sự kiện kết nối trực tiếp cho các DN địa phương với các nhà phân phối, người tiêu dùng, các chuỗi siêu thị tại Bình Dương và các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trên cả nước.


Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh đánh giá sản phẩm tham gia năm 2022

Chú trọng thương mại điện tử

Trên thực tế, Đông Nam bộ là khu vực có nền kinh tế phát triển năng động, các hoạt động thương mại, trong đó bán lẻ trực tuyến có tốc độ phát triển nhanh trong những năm qua. Điều này góp phần giúp các DN, cơ sở sản xuất ở các địa phương trong khu vực có thêm cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi số hiện nay, ông Phạm Thanh Dũng cho biết ngành công thương tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để hỗ trợ cho hoạt động kết nối cung cầu. Kết hợp phân phối hiện đại với truyền thống để bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa. Tỉnh duy trì và củng cố các kênh phân phối trực tiếp truyền thống như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đồng thời thúc đẩy khai thác phân phối trực tuyến trên website, sàn thương mại điện tử, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, cung ứng mở rộng, tiếp cận kênh phân phối ứng dụng công nghệ mới để quảng bá sản phẩm.

Thực tế, các sàn thương mại điện tử sẽ là “cánh cửa” giúp cho cộng đồng DN ở các địa phương mở rộng, phát triển thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Tuy nhiên, tham khảo trên các sàn thương mại điện tử Bình Dương, nhận thấy không ít đơn vị sản xuất, cung ứng nông sản có sự chăm chút, đầu tư về mặt hình ảnh, thông tin minh bạch, nhưng còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ vào vận hành. Do đó, nếu các sàn trong vùng Đông Nam bộ có sự liên kết, hỗ trợ qua lại cho nhau để đa dạng thêm mặt hàng, rút ngắn khâu vận chuyển, sẽ ngày càng thu hút lượng khách từ khắp các tỉnh, thành. Từ đó góp phần đưa sàn thương mại điện tử địa phương trở thành nơi giao thương phổ biến, rút ngắn giới hạn địa lý khi cần tìm bất kỳ đặc sản, sản phẩm nào.

Năm 2022, ngành công thương tỉnh đã tổ chức cho các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia 10 chương trình hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tại các tỉnh, thành trong cả nước với 40 DN tham gia trưng bày 46 gian hàng với các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh, như: Sơn mài, gỗ, dệt may, da giày, gốm sứ... Kết quả, tổng doanh thu bán hàng trực tiếp đạt 580 triệu đồng, thu hút gần 25.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=336
Quay lên trên