Ngoài việc nỗ lực tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng thì đã đến lúc doanh nghiệp, hộ sản xuất cần bắt tay nhau để tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản địa phương nhất là thời điểm hậu Covid-19.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX Dưa lưới Kim Long tại một hội chợ triển lãm nông sản
Sản phẩm đa dạng, chất lượng
Theo ông Tô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, thời gian qua nhờ sự quan tâm của tỉnh, các sở, ngành, cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện, nông nghiệp của Phú Giáo đã có bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng kỹ thuật công nghệ cao, hiệu quả. Tình hình sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, cơ cấu cây trồng đa dạng. Nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao được phát triển theo hình thức trang trại theo hướng VietGAP, hướng đến sản xuất hữu cơ. Tổng diện tích cây ăn trái tính đến đầu năm 2020 là hơn 1.266 ha, chủ yếu các loại cam, quýt, bưởi, chanh và một số cây ăn trái có múi khác.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Phú Giáo nông dân còn trồng nhiều loại cây ăn trái như xoài, sầu riêng, bơ, ổi, đặt biệt là dưa lưới trồng theo dây chuyền công nghệ được kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Song song đó, Phú Giáo còn có thể cung cấp thêm một số sản phẩm về gia súc, gia cầm và một số thực phẩm tiêu dùng khác như tiêu sọ, măng tàu được trồng theo chuỗi sản xuất nông trại an toàn vệ sinh thực phẩm. Hướng tiếp cận về khoa học kỹ thuật của địa phương luôn phát triển. Những năm qua, các cấp, ngành đã có nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích các trang trại áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, xử lý hoa quả trái mùa theo công nghệ sạch đã giúp cho chủ trang trại, hộ nông dân trồng trọt một cách thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là sản phẩm thiếu đầu ra bền vững. Vấn đề này cần nhìn nhận một cách khách quan từ cả hai phía để nông sản địa phương có được đầu ra ổn định. Trước hết, về phía hộ sản xuất cần nắm bắt được nhu cầu thị trường, sản xuất gắn với sức khỏe người tiêu dùng và trách nhiệm xã hội. Về phía các siêu thị, chợ đầu mối cần có “độ mở” với các nông sản địa phương để có sự hợp tác dựa trên thiện chí hướng đến việc đẩy mạnh phát triển.
Tạo điều kiện thuận lợi
Tại hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn do UBND huyện Phú Giáo phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, đại diện hai sở trên đã trình bày các tiêu chuẩn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăm sóc cây ăn trái có múi. Đồng thời giới thiệu các doanh nghiệp phân phối để thực hiện việc kết nối cung cầu.
Đại diện các siêu thị trên địa bàn tỉnh đã trình bày khá chi tiết những yêu cầu về sản phẩm phân phối và trao đổi, chia sẻ những cách thức thu mua hàng nông sản với chủ các trang trại và nông dân trên địa bàn để thực hiện kết nối cung cầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề thiết thực đặt ra hiện nay là “thiện chí”trong xây dựng chuỗi cung ứng.
Theo ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dưa lưới Kim Long, sản phẩm dưa lưới Kim Long dù có mặt trên thị trường toàn quốc song đường vào các siêu thị và các chợ đầu mối tại địa phương vẫn rất gian khó. Ông Quyết chia sẻ, với những doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, việc liên kết đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các siêu thị cũng không dễ dàng. Hầu hết các đơn vị đều chủ động tìm những kênh khác nhau hoặc “tự tạo” cơ sở tiêu thụ, phân phối sản phẩm.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Kiên, Giám đốc HTX Ổi Thanh Kiên cũng cho rằng, nguyên nhân chính được HTX và hộ sản xuất đưa ra là do việc nhập nông sản vào siêu thị đòi hỏi nhiều thủ tục, hồ sơ pháp lý rườm rà, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, lượng thu mua của các siêu thị không nhiều, giá thành bị chi phối bởi nhiều loại phí, thuế... nên giá trị kinh tế không được như mong đợi, bản thân người dân cũng nảy sinh tâm lý “ngại” tìm kiếm, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị.
Theo tìm hiểu của phóng viên, điều mà các doanh nghiệp, hộ sản xuất e ngại nhất là việc nhập sản phẩm nông nghiệp vào các siêu thị ngoài việc phải chịu nhiều loại phí và mức chiết khấu cao hơn 10% giá trị sản phẩm thì một số siêu thị chỉ cho bán dưới hình thức ký gửi hàng hóa, thanh toán một lần theo tháng hoặc quý... Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đều ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên việc chậm thanh toán, dồn hóa đơn sẽ khó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề khó chứ không phải không có hướng giải quyết nếu cùng hợp sức, đồng lòng. Ông Tô Văn Đạt mong muốn nông sản địa phương sẽ được hỗ trợ tạo một thương hiệu cho các sản phẩm trên địa bàn để bảo đảm hiệu quả cho sản xuất, góp phần kinh tế cho địa phương phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
TIỂU MY