Xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu khả quan

Cập nhật: 21-07-2020 | 08:14:52

Trong những tháng cuối năm 2020, xuất nhập khẩu của tỉnh kỳ vọng sẽ hồi phục từ các ngành xuất khẩu chủ lực, song vẫn tiềm ẩn rất nhiều thách thức.

 Một số nhóm hàng đang dần phục hồi

Đến nay, tình hình xuất nhập khẩu đã có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, một số nước châu Âu, Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 11,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,2%; duy trì thặng dư thương mại 2,6 tỷ đô la Mỹ. Một tín hiệu khả quan khi tháng 6, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 2.475 triệu USD, tăng 12,6% so với tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu tháng 6-2020 ước đạt 1.995 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng trước.

 Sản xuất tại Công ty May mặc Esquel (KCN VSIP 1, TP.Thuận An)

Chưa kể, ứng phó với khó khăn về thị trường, hiện các doanh nghiệp đã có sự chuyển đổi nhất định. Cụ thể, các doanh nghiệp ngành may mặc đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh... Đối với da giày, Bộ Công thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu giày dép trong quý III và quý IV-2020 sẽ tăng trưởng trở lại. Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để có thêm khách hàng, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu ngay khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế tại các thị trường xuất khẩu chính. Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình (TP.Thuận An), đến cuối quý II-2020, công ty đã có đơn hàng trở lại. Đây là tín hiệu vui để công ty duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Một điều đáng mừng là các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may, giày da (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây. Theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, tết, Giáng sinh tăng cao. Đáng chú ý, số liệu ước tính tháng 6-2020 cho thấy, nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất đang tăng khá mạnh trở lại trong tháng 6, điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang bắt đầu đẩy nhanh quá trình khôi phục.

Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành gỗ của tỉnh cũng đã xuất hiện những điểm sáng. Đến nay, một số doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá, đơn hàng dồi dào và liên tục phải tăng ca để bảo đảm tiến độ. Đó là các công ty hoạt động lâu năm trong ngành, có mạng lưới khách hàng rộng khắp, đặc biệt là đã xây dựng được hệ thống bán hàng online từ sớm, giúp chủ động được thị trường và giao dịch qua các sàn thương mại điện tử.

Dự lường khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp

Dự lường những thách thức trước mắt, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, nhận định dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đến nay vẫn chưa dự báo được thời điểm kết thúc dịch. Do tác động cộng hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xu hướng bảo hộ thương mại của các cường quốc đang có chiều hướng gia tăng, nhất là cuộc chiến tranh thương mại đang có chiều hướng leo thang, ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại trong nước và trên thế giới.

Với lĩnh vực xuất nhập khẩu, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, nhận định rằng Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Do đó, trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, ở tầm vĩ mô, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng chính sách phát triển kinh tế lúc này bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Trong tình thế khó khăn này, cần tính tới các biện pháp xử lý nợ xấu.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong 6 tháng cuối năm 2020, UBND tỉnh nỗ lực triển khai các nghị quyết của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, UBND tỉnh đẩy mạnh việc triển khai Nghị quyết số 84 của Chính phủ nhằm khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế; tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19; triển khai thực hiện các biện pháp để doanh nghiệp, người lao động tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Đối với doanh nghiệp, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp qua nhiều kênh, với nhiều phương thức để các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8-2020.

 Một kỳ vọng lớn cho ngành kinh tế hiện nay là Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8. Khi đi vào thực thi, EVFTA có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực GDP mỗi năm của Việt Nam, dao động từ 0 - 0,3%. Trong đó, dệt may và da giày sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất do thuế áp lên khu vực này đang ở mức cao sẽ nhanh chóng giảm xuống thấp. Tuy nhiên, một trong những việc doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU...

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên