Kết quả tích cực từ sự nghiệp “trồng người”- Bài 2

Cập nhật: 23-09-2020 | 21:49:10

Bài 2: Hiệu quả từ chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non

Bài 1: Trường lớp đáp ứng đổi mới giáo dục - đào tạo

Hiện nay, hơn 50% dân số Bình Dương là người từ các địa phương trên cả nước đến làm ăn, sinh sống. Cũng từ đây, nhu cầu gửi con vào các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) của người lao động tăng cao. Trước yêu cầu này, việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa GDMN đã làm cho quy mô mạng lưới trường lớp GDMN trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, đặc biệt là GDMN ngoài công lập (NCL).

Quy mô phát triển nhanh

Với đặc thù tỉnh phát triển công nghiệp, hàng năm Bình Dương tăng thêm 5.000-6.000 trẻ trong độ tuổi MN, có năm tăng đến 9.000 trẻ. Để bảo đảm nơi chăm sóc, GD cho con em công nhân và người lao động, những năm qua, tỉnh đã tăng nguồn lực đầu tư cho GD. Hàng năm, tỷ lệ ngân sách đầu tư cho GD của tỉnh chiếm khoảng 25%, trong đó GDMN chiếm khoảng 20%. Cùng với ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho GD, quỹ đất dành cho việc xây dựng trường lớp cũng đã được ngành, các địa phương tính đến.

Ở trường MN, trẻ được học mà chơi, chơi mà học

Trên cơ sở này, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo định hướng đối với các địa phương có khu, cụm công nghiệp hoạt động triển khai thực hiện một số nội dung, giải pháp trong công tác lập quy hoạch, dành quỹ đất, xây dựng danh mục đầu tư xây dựng mới bổ sung hoặc xây dựng thay thế, mở rộng quy mô các trường MN. Tuy nhiên, dù trường lớp liên tục được xây dựng mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được số trẻ tăng thêm khá lớn hàng năm. Trước tình hình trên, tỉnh khuyến khích thực hiện xã hội hóa GDMN, trong đó có xây dựng nhà trẻ trong khu công nghiệp, hoặc cá nhân đầu tư xây dựng trường MN.

Đặc thù giờ làm việc của người lao động ở các công ty, doanh nghiệp thường tan ca muộn hơn so với giờ trả trẻ của các trường công lập; một số công nhân còn làm việc theo ca. Chính vì thế, việc gửi con ở các trường ngoài công lập (NCL) là phù hợp, bởi những cơ sở này thực hiện linh hoạt giờ giữ trẻ. Để tạo điều kiện cho công nhân lao động làm việc, một số công ty đã thành lập nhà trẻ. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết thực hiện chủ trương xã hội hóa, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời cơ chế quản lý, cho phép một số doanh nghiệp có nhu cầu bức xúc muốn đầu tư phát triển GDMN để phục vụ cho con em người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, nhằm hạn chế các cơ sở nhóm trẻ tự phát, không bảo đảm an toàn cho trẻ.

Từ chủ trương đúng đắn, kịp thời trên, đến nay, quy mô, mạng lưới trường lớp MN NCL phát triển khá nhanh và rộng khắp các xã, phường, thị trấn; góp phần quan trọng trong phát triển GDMN của từng địa phương. Công tác xã hội hóa GD tiếp tục phát huy có hiệu quả, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng chăm lo cho GDMN. Giai đoạn 2015- 2020, tổng kinh phí đầu tư phát triển GDMN từ nguồn xã hội hóa là gần 1.600 tỷ đồng.

Tiếp sức cho nhà đầu tư

Thực hiện các nghị định, nghị quyết của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực GD; về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GD-ĐT giai đoạn 2019-2025, ngành GD-ĐT đã tiếp tục tham mưu, phối hợp địa phương đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa về GDMN. Theo đó, tỉnh đã thực hiện quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện giao đất, cho thuê đất để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đầu tư xây dựng cơ sở GDMN NCL nhằm thu nhận trẻ tại các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu gửi con của các cha mẹ là công nhân lao động. Đến thời điểm tháng 7-2020, tỉnh đã giao đất, cho thuê đất cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đầu tư xây dựng 15 trường mầm non NCL với hơn 77.000m². Các trường mầm non này được đầu tư xây dựng khang trang, đầy đủ trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi hiện đại. Bà Nguyễn Hồng Sáng cho biết thêm, đáp ứng nhu cầu phát triển GDMN, hiện nay sở đang phối hợp với các địa phương, đặc biệt là địa phương có KCN tiếp tục ưu tiên giữ lại quỹ đất GD đối với các công trình trường học được ngân sách đầu tư xây dựng mới để xã hội hóa, khuyến khích kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư GDMN.

Từ chủ trương xã hội hóa giáo dục, năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 418 cơ sở GDMN, với 127.758 trẻ, trong đó có 297 cơ sở NCL với 89.071 trẻ. Chính mạng lưới MN NCL đã đóng góp tích cực trong việc giải quyết nhu cầu gửi con em của người lao động; góp phần đưa tỉnh sớm được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Đến nay, 100% các địa phương của tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, đồng thời chất lượng phổ cập GD hàng năm luôn được củng cố, nâng cao. (Còn tiếp)

Hàng năm, ngành GD-ĐT tỉnh luôn quan tâm nâng chất lượng hoạt động cho các cơ sở GDMN NCL, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường NCL. Đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ, chủ cơ sở cũng đã đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với yêu cầu điều lệ và quy chế trường MN. Từ đó, chất lượng chăm sóc, GD trẻ các trường NCL ngày càng ổn định và đi vào nề nếp, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới của cấp học. Thực tế, các cơ sở MN NCL tổ chức và hoạt động khá đa dạng, với mức chi phí chăm sóc, giáo dục trẻ tăng, giảm linh hoạt theo thời giá và khả năng của các bậc cha mẹ. Thời gian đưa, đón, giữ trẻ rất linh hoạt, phù hợp với điều kiện và mức sống khác nhau của người dân.
(Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT)

 ÁNH SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=620
Quay lên trên