Khắc phục hạn chế, nâng tầm phát triển

Cập nhật: 29-06-2023 | 08:20:10

Đây là một trong những nội dung “nóng” của huyện Dầu Tiếng được các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận và quyết tâm khắc phục tại Hội thảo khoa học “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch nông thôn” trên địa bàn huyện. Những khó khăn, thách thức không chỉ đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương mà rất cần sự đồng thuận, mạnh dạn đổi mới, đầu tư của nhân dân.

 Huyện Dầu Tiếng có nhiều mô hình nông nghiệp đặc sắc để phát triển du lịch sinh thái. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá nước ngọt ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa

 Bức tranh đa sắc về nông nghiệp, nông thôn

Huyện Dầu Tiếng có trên 80% tổng diện tích đất tự nhiên sản xuất nông nghiệp. Kinh tế nông nghiệp của huyện tăng trưởng bình quân hàng năm từ 4,5-5%, lĩnh vực chăn nuôi được đầu tư phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, chăn nuôi trại lạnh. Tính đến nay, toàn huyện có 80 ha cây ăn trái được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 7 sản phẩm OCOP và 2 khu nông nghiệp công nghệ cao trồng chuối cấy mô tại xã Thanh An và Minh Tân với quy mô trên 400 ha. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện ngày càng hoàn thiện với những tuyến đường được nhựa hóa, trường học được xây dựng khang trang, các thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư bài bản đã tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Dầu Tiếng cũng là vùng đất gắn với nhiều lễ hội truyền thống lâu đời diễn ra quanh năm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy Dầu Tiếng đã ban hành 2 chương trình đột phá là phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình phát triển du lịch. Qua quá trình triển khai thực hiện, 2 chương trình mặc dù đạt được những thành quả nhất định nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì kết quả của 2 chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Huyện phấn đấu đến năm 2025 phục vụ trên 1 triệu lượt khách du lịch/năm và đưa huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025”.

Trong khi đó, phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undong, cho biết: “Dầu Tiếng có nhiều tài nguyên du lịch trên nền tảng thành tựu xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy vậy, các sản phẩm du lịch của huyện chưa được đầu tư phát triển chuyên nghiệp và hình thành các sản phẩm đặc trưng nên tuyến, điểm du lịch của huyện chưa rõ nét trên bản đồ du lịch Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ”.

Phát triển du lịch chưa xứng tầm

Huyện Dầu Tiếng có vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với hệ thống sông Sài Gòn, sông Thị Tính thích hợp phát triển du lịch du thuyền, thưởng thức các món cá đặc sản từ lòng hồ hay du lịch câu cá dã ngoại kết hợp trải nghiệm vườn cây ăn trái, trải nghiệm dưới tán rừng. Hệ thống vườn cây ăn trái đặc sản có múi (măng cụt, sầu riêng) là sản phẩm đặc trưng được tỉnh phân hạng đánh giá đạt 3 sao.

Các hình thức quảng bá phong phú đã góp phần giới thiệu hình ảnh của huyện đến với du khách, xây dựng tour, hình thành sản phẩm du lịch tại các điểm đến, như: Quần thể di tích lịch sử - Danh thắng Núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng, vùng bán ngập ven hồ cùng với những vườn cây ăn trái chuyên canh: Vườn măng cụt đạt chuẩn VietGAP tại xã Thanh Tuyền, Thanh An. Các trang trại nuôi chim yến, trồng nấm, hoa lan, đã tạo cho huyện Dầu Tiếng lợi thế phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn. Hàng năm, huyện tổ chức nhiều lễ hội truyền thống lâu đời. Trong khi đó, các di tích lịch sử được đầu tư xây dựng, bảo tồn. Đây là những địa điểm thu hút khách tham quan, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh.

Tuy nhiên, đến nay huyện vẫn chưa kết nối với các nhà tổ chức du lịch để hình thành các điểm đến của du khách. Trong khi đó, các điểm đến như: Bãi Đá Trứng (xã Định Thành), Bằng Lăng quán, Dotchampa (xã Định An) du khách rất quen thuộc khám phá vào các dịp cuối tuần, ngày lễ lớn trong năm. Thống kê cho thấy, lượng khách đến các điểm này rất đông nhưng chưa bảo đảm pháp lý để đi vào khai thác bền vững. Trong khi đó, việc xây dựng mô hình, sản phẩm du lịch cho Dầu Tiếng còn khó khăn, người dân chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng. Việc liên kết, xây dựng các tour, tuyến du lịch ở Dầu Tiếng còn hạn chế do không đủ điều kiện pháp lý để hoạt động. Phần lớn các điểm du lịch trên địa bàn không đủ điều kiện công nhận điểm du lịch, vướng quy định chuyển quyền mục đích sử dụng đất và xây dựng.

 Theo PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao, thời gian tới huyện Dầu Tiếng cần tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ: Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù từ nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các yếu tố bổ trợ cho du lịch nông nghiệp công nghệ cao trên nguồn lực xây dựng nông thôn mới; phát triển hệ thống tuyến, điểm kết nối Dầu Tiếng với các địa phương trong và ngoài vùng Đông Nam bộ; hoàn thiện chính sách kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch, hình ảnh huyện đến đông đảo người dân.

 HOÀNG LINH - TÚ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên