Khách hàng cần cảnh giác khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến

Cập nhật: 24-03-2021 | 07:58:38

 Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của ngân hàng cung cấp dịch vụ, cảnh giác với các phương thức thủ đoạn lừa đảo.

 Hỗ trợ khách hàng làm thẻ tín dụng tại Vietcombank Bình Dương

 Tung hỏa mù

Liên tục trong thời gian gần đây xuất hiện một số hình thức lừa đảo mới nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng, qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Trong đó, nhiều thuê bao di động nhận được các tin nhắn mạo danh của các tổ chức tài chính, ngân hàng, gửi các nội dung giả mạo, lừa đảo. Phương thức chung của các hình thức lừa đảo này là thông qua việc mạo danh ngân hàng, nhân viên ngân hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng.

Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương cho biết, đối tượng lừa đảo thực hiện gửi nội dung thông báo kèm theo đường link lừa đảo qua tin nhắn SMS thương hiệu Vietcombank để lừa khách hàng bấm vào link và cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng số và dịch vụ thẻ. Đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện để hỏi khách hàng hoặc thông báo cho khách hàng về việc có phải khách hàng đang chờ tiền về không? Khách hàng đang gặp trục trặc khi đang sử dụng dịch vụ hoặc xác minh giao dịch khách hàng vừa mới thực hiện. Tiếp đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng số và dịch vụ thẻ. Từ đó, chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng. Trước Vietcombank, nhiều ngân hàng như TPbank, Sacombank, ACB... cũng gặp phải trường hợp tương tự và đã có khuyến cáo gửi tới khách hàng để cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo.

Cẩn trọng

Qua xác minh, đánh giá từ Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, các tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo. Đây là các thiết bị có nguồn gốc từ nước ngoài được các đối tượng bán, sử dụng trái phép nhằm mục đích thực hiện các cuộc tấn công, phát tán tin nhắn rác lừa đảo người dùng, đặc biệt là người dùng tại các khu vực đô thị. Cục An toàn thông tin đánh giá đây là các hành vi rất tinh vi và nguy hiểm. Cục đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp viễn thông để triển khai các biện pháp ngăn chặn, điều tra và xử lý đối tượng vi phạm pháp luật.

Sau khi xuất hiện tình trạng giả mạo tin nhắn như trên, các “nhà băng” cũng đã có những hành động nhằm ngăn chặn hành vi lừa đảo. Lãnh đạo Vietcombank Bình Dương, nhấn mạnh ngân hàng không gọi điện để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ. Do đó khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật khi nhận được các cuộc gọi này. Ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng không chia sẻ các thông tin cá nhân về dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch lên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Nếu nhận được yêu cầu cung cấp thông tin theo các hình thức như trên, khách hàng có thể thông báo cho ngân hàng và các điểm giao dịch Vietcombank gần nhất để phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác điều tra tội phạm. “Ngoài ra, để sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn và hiệu quả, khách hàng hãy luôn tuân theo các nguyên tắc giao dịch được cập nhật tại website chính thức của ngân hàng”, ông Quang nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Thái Bình, Giám đốc khối Công nghệ thông tin Sacombank cũng khẳng định tin nhắn giả mạo không được gửi từ hệ thống của Sacombank. Việc gửi tin nhắn thương hiệu SMS Brandname của Sacombank được thực hiện qua các đối tác cung cấp dịch vụ. Tin nhắn giả mạo được gửi đi có tính chất ngẫu nhiên với số lượng và phạm giới hạn nên trong số những người nhận được tin nhắn bao gồm cả những người không phải là khách hàng của Sacombank. Hiện Sacombank đang khẩn trương phối hợp với đối tác cung cấp dịch vụ, cơ quan chức năng để điều tra nguyên nhân và có biện pháp ngăn chặn. Hiện Sacombank đã và đang tăng cường truyền thông để khách hàng nhận biết tình trạng này, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin trong không gian mạng, đăng tải các lưu ý khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trên báo chí, Website, Fanpage, quầy giao dịch....

“Trong quá trình xử lý, ngân hàng cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng gỡ bỏ nhiều Website giả mạo. Bên cạnh đó, cần tiếp nhận phản ánh của một số khách hàng là đã nhận được tin nhắn giả mạo. Chính vì vậy chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác của khách hàng cũng như các phương tiện truyền thông trong việc phòng tránh lừa đảo”, lãnh đạo Sacombank cho biết thêm. Hiện các ngân hàng khác trong hệ thống các tổ chức tín dụng cũng đã liên tục phát đi cảnh báo tới người tiêu dùng để tránh bị lừa đảo qua SMS, OTP.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên