Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo đại hội
Sáng 30-12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027, đã khai mạc phiên chính thức tại Thủ đô Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự và tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội.
Cùng tham dự còn có nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện các tổng cục, quân khu, quân chủng, các học viện, nhà trường và một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng…
Tham dự Đại hội còn có các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cùng 506 đại biểu đại diện cho hơn 3 triệu hội viên trên cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự đại hội.
Đoàn đại biểu Hiệp hội Cựu chiến binh quốc gia Lào, Đoàn đại biểu Hội Cựu chiến binh Campuchia đã sang dự, chúc mừng Đại hội.
Đại hội đã dành những phút đầu tiên của phiên chính thức, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản và nhân dân quốc tế, người cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Cựu chiến binh Việt Nam nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, mãi mãi xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ.
Đại hội đã thành kính tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Các đại biểu cựu chiến binh dự Đại hội đã nghiêng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, những người đồng chí, đồng đội đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Tại phiên trù bị, Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 9 đồng chí, Đoàn Thư ký gồm 3 đồng chí.
Bước phát triển vững chắc cả về số lượng và chất lượng
Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VI khẳng định Đại hội là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của các cấp Hội và hội viên cựu chiến binh cả nước. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, bên cạnh những thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.
Toàn Hội đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI và đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc cả về số lượng, chất lượng; hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ. Tuyệt đại đa số cựu chiến binh giữ vững, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; tích cực đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm và các tệ nạn xã hội.
Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở; tích cực giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của hội viên; thực hiện tốt chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cựu chiến binh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự đại hội.
Đồng thời, Hội làm tốt công tác tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; phối hợp vận động, tập hợp, phát huy vai trò tích cực của cựu quân nhân ở cơ sở. Công tác đối ngoại nhân dân đạt kết quả tốt. Nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội ngày càng được đổi mới.
Thượng tướng Nguyễn Văn Được khẳng định những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng; tiếp tục khẳng định Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội uy tín, thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, Đại hội có nhiệm vụ: tổng kết, đánh giá kế quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ VII; xem xét sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội phù hợp với tình hình mới; bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII, nhiệm kỳ 2022-2027, có đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo Hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Phát huy truyền thống “Trung thành-Đoàn kết-Gương mẫu-Đổi mới”
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI tại Đại hội có chủ đề: “Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ," truyền thống “Trung thành-Đoàn kết-Gương mẫu-Đổi mới," xây dựng Hội Cựu chiến binh các cấp vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, với bố cục gồm hai phần: Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2017-2022; Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm kỳ 2022-2027.
Báo cáo nêu rõ những kết quả trong công tác Hội giai đoạn 2017-2022, trong đó nổi bật là việc thực hiện có hiệu quả phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi," nâng cao đời sống; tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và cả nước. Toàn Hội hiện có 8.652 doanh nghiệp, 1.752 hợp tác xã, 3.677 tổ hợp tác... Hằng năm có hàng chục nghìn hội viên cựu chiến binh đạt danh hiệu “Sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp. Đã có 63/63 tỉnh, thành phố thành lập Hội Doanh nhân Cựu chiến binh và Câu lạc bộ doanh nhân Cựu chiến binh.
Bên cạnh đó, Hội đã vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào, chương trình phối hợp, cuộc vận động của địa phương và cả nước; gương mẫu tham gia xây dựng, tuyên truyền, phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện tốt chế độ, chính sách, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và cựu chiến binh.
Toàn cảnh đại hội.
Đồng thời, Hội phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan quân sự làm tốt công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thanh niên; động viên, tập hợp cựu quân nhân phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ," tích cực tham gia các hoạt động ở cơ sở. Hoạt động đối ngoại nhân dân được triển khai tích cực, hiệu quả.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận, tư tưởng cựu chiến binh và nhân dân có nơi chưa kịp thời, chưa sâu. Công tác vận động, phát triển hội viên mới ở một số tổ chức cơ sở Hội chưa được quan tâm đúng mức...
Dự thảo Báo cáo chính trị đã đề ra mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ với 6 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đáng chú ý có chỉ tiêu phát triển trên 85% đối tượng đủ điều kiện kết nạp vào Hội; phấn đấu mỗi năm giảm từ 1-1,5% tỷ lệ hộ cựu chiến binh nghèo theo chuẩn đa chiều; phấn đấu 95% cựu chiến binh trong độ tuổi lao động, còn sức khỏe được tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ, bồi dưỡng hoặc đào tạo nghề để có cơ hội tìm việc làm.
Bên cạnh các giải pháp, dự thảo Báo cáo nêu rõ hai khâu đột phá để các cấp Hội thực hiện toàn diện nhiệm vụ, gồm: xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng; xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh và đội ngũ cán bộ Hội các cấp gương mẫu, tiêu biểu./.
Theo TTXVN