Khai thác hiệu quả nội lực, tạo đột phá phát triển

Cập nhật: 19-01-2024 | 08:21:53

Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá hoàn thành kế h oạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Tuy vậy, với rất nhiều thách thức đặt ra, để đạt được mục tiêu tăng tr ưởng kinh tế, cần khai thác hiệu quả nội lực, tạo động lực thực sự cho phát t riển.

 Sản xuất tại Công ty TNHH Cicor Việt Nam ( KCN VSIP I)

 Vượt khó thành công

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị thế giới tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 5,97%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong “tứ giác” Đông Nam bộ, tạo nền tảng cho Bình Dương bước vào năm 2024.

Đặc biệt, yếu tố tăng trưởng GRDP có sự chuyển biến rõ nét, quý sau cao hơn quý trước tạo nên nền tảng cho năm 2024. Theo đó, quý I tăng 1,15%, quý II tăng 5,73%, quý III tăng 7,51%, quý IV tăng 8,79% so với cùng kỳ. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của toàn nền kinh tế, chiếm 66,17% cơ cấu và đóng góp 69,4% vào tổng giá trị tăng thêm.

“Bằng sự đoàn kết, chung sức, quyết tâm và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, sự đồng lòng của doanh nghiệp (DN) và người nộp thuế, kinh tế Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, nối dài thành tích nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đánh giá cao những nỗ lực của nhân dân và cộng đồng DN.

Đặc biệt, năm 2023, thu ngân sách của ngành thuế tỉnh đạt hơn 51.000 tỷ đồng, vượt 11,6% dự toán HĐND tỉnh giao. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống thất thu ngân sách như đẩy mạnh công tác rà soát kê khai giao dịch liên kết, 100% áp dụng hóa đơn điện tử, ngành thuế đã hỗ trợ cộng đồng DN và người dân khi đưa các chính sách miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế, hoàn thuế vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực đến nguồn vốn, góp phần ổn định và phục hồi nền kinh tế, tạo động lực phát triển. Bình Dương tiếp tục là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, được đánh giá là địa phương có quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 cả nước, đạt quy mô gần 500.000 tỷ đồng.

“Thành tựu đạt được trong khó khăn, thách thức của năm 2023 là kết quả của sự nỗ lực to lớn, tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng cùng nhau vượt qua các khó khăn, thử thách của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng DN tỉnh nhà”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ văn Minh đánh giá và mong mỏi bước vào năm 2024, cộng đồng DN đón được những cơ hội, vượt qua khó khăn thách thức, cùng với tỉnh thực hiện tốt các kế hoạch và mục tiêu phát triển đề ra.

Tăng sức chống chịu

Theo ông Mai Hữu Tín Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh, bước sang năm 2024, nền kinh tế Bình Dương với độ mở lớn chắc chắn sẽ khó thể tránh khỏi tác động từ khó khăn của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, với sức chống chịu mạnh mẽ, tăng trưởng tốt trong năm 2023, kỳ vọng Bình Dương sẽ tiếp tục trở thành điểm sáng tăng trưởng của cả nước và khu vực Đông Nam bộ. Về sản xuất và xuất khẩu, hiện đã có một số tín hiệu tốt. Chỉ số hàng tồn kho nhà sản xuất châu Âu và châu Mỹ đã giảm. Trước tình hình đó, các DN cần khai thác hiệu quả nội lực, biến thuận lợi thành động lực thực sự cho tăng trưởng để vươn lên. Đồng thời, cần có hành động cụ thể nhằm “chớp” được các cơ hội rất lớn đang mở ra, đơn cử về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm quan trọng để tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của cả giai đoạn. Dự lường những khó khăn, đưa ra giải pháp khắc phục hạn chế, UBND tỉnh đã xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024.

UBND tỉnh xác định 36 chỉ tiêu phát triển KT-XH - môi trường - đô thị chủ yếu. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8-8,5% so với năm 2023. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bảo đảm ổn định các cân đối lớn. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ. Quy hoạch và phát triển đô thị, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 UBND ban hành quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 với 36 chỉ tiêu. Cụ thể, tổng sản phẩm (GRDP) trong tỉnh tăng từ 8% đến 8,5%, GRDP đầu người 185,5 triệu đồng. Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp - xây dựng chiếm 65,95%, dịch vụ 24,35%, nông - lâm nghiệp - thủy sản 2,51%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 8,7% trở lên. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 13% đến 14%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9% đến 10%, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 9% đến 10%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 71.600 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương 33.050 tỷ đồng.

 TIỂU MY - CẨM TÚ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên