So với các xã khác của huyện Dầu Tiếng, xã Thanh Tuyền có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hiện những lĩnh vực này của xã đang phát triển mạnh, tạo ra sự thay đổi rõ nét cho xã nông thôn mới Thanh Tuyền
Giảm phụ thuộc vào cây cao su
Theo lãnh đạo xã Thanh Tuyền, năm 2016 cơ cấu kinh tế của địa phương tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng đã đề ra, nông nghiệp chỉ còn chiếm 40% trong cơ cấu kinh tế của xã. Sự phát triển của các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ đã giúp cho đời sống của người dân trên địa bàn cải thiện đáng kể, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh trong năm qua chỉ còn 1,52%.
Ngay cả trong nông nghiệp, cơ cấu cây trồng của xã cũng đang giảm dần, thay vào đó là tỷ lệ hộ chăn nuôi gia tăng. Toàn xã hiện có gần 500 ha chuyên trồng lúa, hơn 350 ha trồng hoa màu, gần 1.800 ha trồng cao su. Trong khi đó, ngành chăn nuôi đang dần thay thế vai trò ngành trồng trọt của xã. Tổng đàn gia cầm của địa phương hiện có khoảng 36.000 con, tăng hơn 1.000 con so với năm 2015.
Xã Thanh Tuyền chú trọng phát triển thương mại - dịch vụ. Trong ảnh: Hoạt động kinh doanh mua bán tại khu trung tâm xã Thanh Tuyền đang phát triển mạnh. Ảnh: XUÂN VĨ
Ông Huỳnh Châu Ấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền, cho biết việc người dân chuyển dần sang chăn nuôi và trồng một số loại cây ăn quả khác đã giúp người dân trong xã có thêm thu nhập và giảm bớt lệ thuộc vào giá mủ cao su. Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến vai trò của Quỹ tín dụng nhân dân xã Thanh Tuyền, nơi cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp giúp người dân có thêm cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện quỹ có 6.285 thành viên, tổng nguồn
vốn hoạt động gần 194 tỷ đồng. Có thêm nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình trong xã đã mạnh dạn đầu tư buôn bán, tăng gia sản xuất… giúp cho tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm.
Chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ
Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp xã Thanh Tuyền trong năm 2017 là khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng; thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ để có biện pháp phòng, chống lụt bão giúp người dân bảo vệ vườn cây, vật nuôi. Cùng với đó, xã Thanh Tuyền tiếp tục mở
rộng vườn cây ăn trái đặc sản măng cụt kết hợp với du lịch sinh thái để nâng cao đời sống người dân, cũng như tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn xã Thanh Tuyền có 38 công ty, doanh nghiệp tư nhân hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Thanh Tuyền còn có gần 850 hộ kinh doanh cá thể, kinh doanh hàng hóa và làm các dịch vụ, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Một thuận lợi nữa là, xã Thanh Tuyền là cửa ngõ giao nhau giữa TX.Bến Cát và huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh nên có nhiều cơ hội phát triển các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Trong năm 2017, xã Thanh Tuyền tiếp tục chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ cho các hoạt động về công nghiệp, nông nghiệp; đồng thời xây dựng các thương hiệu hàng hóa mang tính đặc thù của địa phương, xây dựng và phát triển thương mại - dịch vụ ở các khu trung tâm… Ông Ấn cho biết thêm, để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tới đây xã sẽ đa dạng hóa nguồn vốn vay ưu đãi, phát huy tối đa vai trò của Quỹ tín dụng nhân dân xã Thanh Tuyền... Mục tiêu trong năm 2017 của xã là đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng.
XUÂN VĨ