Khi cán bộ lắng nghe dân nói

Cập nhật: 02-11-2015 | 07:51:10

“Không phải là một cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ mà cán bộ chúng tôi phân công nhau về với dân, lắng nghe dân nói để gần dân, hiểu dân và làm đúng hơn. Từ mô hình này, bà con ở An Sơn không còn đơn thư khiếu nại nữa, bởi mọi điều cần nói chúng tôi đã biết lắng nghe!”, ông Nguyễn Văn Được, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối Vận, thành viên của Ban cán bộ công chức xã An Sơn tiếp xúc với dân cho biết như thế. 

Lắng nghe dân nói

Về An Sơn đã nhiều lần, nhưng lần nào trong tôi cũng là một cảm giác bình yên, hiền hòa. Không xa phố thị là mấy, nhưng ở đây khung cảnh làng quê thật nên thơ với những vườn cau, vườn cây ăn trái lâu năm xanh ngát. Ở xã nông thôn mới An Sơn, đường giao thông dẫn đến các ấp được láng nhựa sạch đẹp. Có được những thành tựu này là nhờ sự cố gắng của Đảng ủy, chính quyền xã cũng như người dân An Sơn trong nhiều năm qua… Đề cập đến mô hình “Lắng nghe dân nói” của xã An Sơn, tôi được một cán bộ của TX.Thuận An giới thiệu rằng: “Nhà báo nên về đó để viết về mô hình này, có nhiều điều thú vị lắm!”. Tìm hiểu, tôi được biết, mô hình “Lắng nghe dân nói” là sáng kiến của Đảng ủy xã An Sơn. Đây cũng là một trong những mô hình nhằm hưởng ứng việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

“Lắng nghe dân nói”, cán bộ, đảng viên của xã An Sơn đã kịp thời nắm rõ tâm tư nguyện vọng và giải quyết thỏa đáng các ý kiến của người dân. Trong ảnh: Một buổi gặp gỡ của cán bộ, đảng viên xã An Sơn với người dân ấp Phú Hưng. Ảnh: Q.NHƯ

Đầu năm 2014, những cán bộ công chức xã An Sơn thường xuyên tiếp xúc với dân được vận động tập trung trong Ban Lắng nghe dân nói. Ban có 26 thành viên, do bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã làm trưởng ban. Các thành viên còn lại gồm lãnh đạo, cán bộ công chức các ban ngành, đoàn thể của xã. Tất cả làm việc với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao, chuẩn bị nội dung cụ thể để tham gia gặp gỡ, tiếp xúc với dân đầy đủ. Ông Nguyễn Văn Được, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối Vận, thành viên của Ban cán bộ công chức xã An Sơn tiếp xúc với dân cho biết: “Lãnh đạo xã xác định tầm quan trọng của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên đã cùng nhau chỉ đạo, tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Lắng nghe dân nói” thông qua việc học tập phong cách quần chúng của Bác, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; tăng cường mối quan hệ gần gũi, sâu sát, chặt chẽ với nhân dân. Bên cạnh đó, mô hình còn tạo điều kiện cho nhân dân phản ánh trực tiếp những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc chính đáng của mình với Đảng ủy, UBND xã về phong cách, tác phong làm việc của cán bộ công chức. Từ mô hình này, cán bộ đã gần dân hơn và khi đã hiểu dân thì việc gì cũng dễ dàng thực hiện…”.

Được việc cho dân

Cách làm của các thành viên trong Ban Lắng nghe dân nói xã An Sơn là trước mỗi lần tổ chức nghe dân nói phải chuẩn bị bài bản các nội dung. An Sơn có 5 ấp, gồm An Phú, An Quới, An Hòa, An Mỹ và Phú Hưng với tổng số 1.767 hộ dân. Trước mỗi cuộc họp để nghe dân nói, Đảng ủy chuẩn bị tốt nội dung để báo cáo trước dân những vấn đề cơ bản về công tác xây dựng Đảng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các mặt phong trào từ đoàn thể đến chính quyền… Từ những nội dung này, người dân tập trung phát biểu ý kiến đi vào trọng tâm liên quan đến đời sống, kinh tế, an sinh xã hội, những chính sách đối với người có công cách mạng, các phong trào thi đua do xã phát động, tình hình môi trường, an ninh trật tự… Một số ý kiến khác xuất phát từ chính cuộc sống của người dân cũng được bà con đề xuất và được cán bộ xã kịp thời ghi nhận. Thời gian tiếp xúc với dân để “Lắng nghe dân nói” là từ ngày 20 đến 30 hàng tháng.

Con đường khang trang, sạch đẹp và đầy thơ mộng dẫn về xã nông thôn mới An Sơn, TX.Thuận An. Ảnh: Q.NHƯ

Lần “lắng nghe dân nói” có số lượng người dân tham gia đông nhất là ở ấp An Phú với 99 người và thấp nhất là ở ấp An Mỹ với 77 người. Tinh thần của nhân dân tại các buổi tiếp xúc với cán bộ xã luôn phấn khởi, thẳng thắn, chân tình đóng góp ý kiến trong thực hiện các nhiệm vụ. Một người dân ở ấp An Phú cho biết, ông rất phấn khởi khi cán bộ xã đến tận nơi để nghe người dân nói. Bất cứ vấn đề nào, từ xích mích với hàng xóm, thực hiện nghĩa vụ thuế, vấn đề liên quan đến đất đai… đều được cán bộ giải thích thấu đáo cho người dân. Đoàn cán bộ công chức đi gặp gỡ, tiếp xúc với dân khá đầy đủ, đáp ứng giải quyết kịp thời các ý kiến, bức xúc của người dân. Do đó, người dân thể hiện tinh thần đồng thuận rất cao, không có những ý kiến nặng nề hay gay gắt. Những vấn đề vượt thẩm quyền của xã được cán bộ ghi nhận đầy đủ và chuyển lên cấp cao hơn.

Thông thường các buổi tiếp xúc với dân, người dân được mời đến một địa điểm nhất định. Sau đó, cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức của xã sẽ đến gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Phong cách giản dị và gần dân của tất cả cán bộ, công chức trong giao tiếp đã thể hiện cán bộ là người công bộc của nhân dân. Một cán bộ trong đoàn tiếp xúc để “lắng nghe dân nói” vui vẻ cho biết: “Chúng tôi cũng là con em ở địa phương, lắng nghe các cô chú, anh chị nói để làm việc tốt hơn là trách nhiệm của chúng tôi”.

Mô hình “Lắng nghe dân nói” sau một thời gian thực hiện cho thấy việc lãnh đạo, cán bộ công chức xã An Sơn gặp gỡ, tiếp xúc với người dân đã đem lại hiệu quả tốt, được người dân đồng tình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã và hài lòng khi các ý kiến của mình được lắng nghe, ghi nhận và giải quyết kịp thời. Cán bộ công chức xã cũng đã thể hiện được tinh thần, ý thức, trách nhiệm của mình trước dân. Trong các buổi tiếp xúc, đối thoại, đa số người dân đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong đóng góp xây dựng địa phương. Mặc dù vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như tâm lý của một số người dân còn ngại va chạm nên còn e dè trong phát biểu. Về phía cán bộ tiếp xúc với dân, phong cách ứng xử, trình độ chuyên môn còn hạn chế nên nội dung trả lời ý kiến của người dân còn chung chung, chưa dứt khoát… Tuy nhiên, những gì mà mô hình này mang lại là rất đáng ghi nhận và biểu dương.

 Tính từ đầu năm 2015 đến nay, Đảng ủy xã An Sơn đã tổ chức được 6 cuộc “Lắng nghe dân nói” ở 5 ấp với 557 lượt người tham dự. Trong đó, cán bộ, công chức xã và ấp là 142 lượt đồng chí, quần chúng nhân dân là 415 người dân. Kết quả trong các buổi tiếp xúc có 44 ý kiến phát biểu, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Tình hình vận hành các nắp cống, cơi đắp bờ bao, làm đường giao thông nông thôn, thu gom rác thải, giải quyết chế độ chính sách, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn… Tại các buổi gặp gỡ, tiếp xúc, cán bộ công chức đã trả lời trực tiếp 42 ý kiến, 2 ý kiến còn lại thuộc lĩnh vực khối kinh tế, Đảng ủy đã giao UBND xã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục trả lời cho người dân. Đến nay, tất cả các ý kiến đã giải trình, trả lời và thực hiện, không còn ý kiến tồn đọng.

 

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1212
Quay lên trên