Khi khách hàng đúng nghĩa là…“thượng đế”

Cập nhật: 29-10-2012 | 00:00:00

Thị trường thuộc về người mua

Tại buổi tọa đàm về triển vọng thị trường BĐS mới đây ở TP.HCM, ông Leon Cheneval, Giám đốc điều hành Công ty Cushman & Wakefield (một công ty dịch vụ BĐS đa quốc gia), dự báo: “Năm 2013, thị trường BĐS tiếp tục còn nhiều khó khăn. Hiện tại, thị trường đang hoàn toàn thuộc về người mua, trong khi chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp gặp rất nhiều khó khăn do thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng”. Khi khách hàng là “thượng đế”, họ đưa ra nhiều điều kiện hơn cho chủ đầu tư, bởi họ có nhiều sự lựa chọn hơn. Có thể dẫn chứng như trường hợp một khách hàng tên Đ. đã yêu cầu hủy hợp đồng ngay tại phòng công chứng chỉ vì phía chủ đầu tư đề nghị đưa thêm một vài chi tiết nhỏ vào hợp đồng. Sau đó, đại diện phía chủ đầu tư đành phải chấp nhận chiều “thượng đế” bằng cách rút lại các đề nghị!  

 Khách hàng tìm hiểu thông tin giá đất tại một công ty BĐS ở TP.Thủ Dầu Một

Theo nhận định của Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bùi Tất Thắng tại buổi tọa đàm, thị trường BĐS rơi vào tình trạng khủng hoảng như hiện nay là do kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, đầu ra của thị trường bị tắc nghẽn. Năm 2012 được coi là đáy của thị trường BĐS, nhưng đáy theo hình chữ V hay chữ U thì còn tùy thuộc vào điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Từ nay đến cuối năm sẽ có hàng loạt DN rút lui khỏi thị trường vì “đói” vốn. Tương lai gần các DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS vẫn còn khó nhiều hơn thuận, còn khách hàng thì đang ở thế thượng phong.

Hạ giá vẫn không bán được hàng

Nếu như trước đây, tại văn phòng giao dịch các dự án phân lô bán nền nhỏ lẻ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An… lúc nào cũng có hàng đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu thì nay đều khá vắng vẻ. Tại nơi những tấm bản đồ quy hoạch hoành tráng ngự trị một thời gian dài hiện chi chít những tấm bảng quảng cáo viết vội có nội dung bán đất giá rẻ, nhiều ưu đãi, gần khu trung tâm, chợ, trường học, dự án, bao sang tên, bao xây dựng, số điện thoại liên hệ… Chủ một dự án phân lô bán nền tại phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Hồi trước nhiều khu đất chỉ vừa cắt cây đã có giao dịch, còn bây giờ đường nội bộ đã làm xong, nền đất được phân lô rõ ràng nhưng vẫn “dài cổ” chờ khách mà chẳng thấy khách đâu! Lâu lâu mới có một người đến xem nhưng không trả giá, có trả giá thì cũng với cái giá quá thấp nên giao dịch khó thành công. Tình thế đã thay đổi, khách hàng có khi không thèm lưu cả số điện thoại của chủ đầu tư để liên lạc trở lại”!

Vì cần tiền để tiếp tục đầu tư hạ tầng cho dự án phân lô nên nhiều chủ đầu tư đã phải bán tháo một vài nền đất với giá rẻ. Theo chủ đầu tư nói trên, giá cả của một nền đất hiện nay tuy bằng với thời điểm cuối năm 2010 nhưng không bán được. Chủ đầu tư lỗ vì trượt giá, lãi vay ngân hàng... Đó là chưa nói các chủ đầu tư nhỏ lẻ chết vì sự cạnh tranh quyết liệt của các chủ đầu tư lớn, với sản phẩm được quy hoạch bài bản, có thổ cư… nằm xung quanh khu vực Thành phố mới Bình Dương và các KCN Mỹ Phước…

Để cạnh tranh và thu hút khách hàng, hiện một số công ty BĐS rao bán đất nền với giá rất “mềm”, chỉ với 1,7 triệu đồng/m2, tương đương 190 triệu đồng/nền, đường rộng 25m cùng nhiều tiện ích như gần khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, khu đô thị Ecolakes Mỹ Phước, trường Đại học Quốc tế Việt Đức, nhà trẻ, trung tâm thương mại, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, Trung tâm thể dục thể thao…

 

Qua rồi cái thời… để nhớ!

Trước đây, khi thị trường BĐS “lên ngôi”, mua bán BĐS được xem là nghề thời thượng, nhân viên kinh doanh của các DN BĐS chạy như “con thoi” vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu công việc, nhưng khi thị trường BĐS “xì hơi” thì nhiều người đành giã từ nghề thời thượng để ra đi vì không thể ngồi chờ! Nguyễn Minh Hùng, nguyên là nhân viên kinh doanh của một công ty BĐS có tiếng hiện phải bỏ nghề vì không biết bao giờ mới trở lại ngày xưa! Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân luật, Hùng theo nghề này và cũng nhờ đó mà kiếm được căn nhà để ở.

Hùng kể, vào thời điểm những năm 2006-2007 ngồi làm việc ở văn phòng mà điện thoại cứ reo liên tục, nhớ lại thấy… thèm! Thời đó, chỉ ngồi ở văn phòng cũng có người đến chở đi xem đất, bao ăn và nhiều khi giao dịch thành công còn được “bo” hậu hĩnh. Có những dự án vừa công bố, chỉ cần xem trên bản đồ khách hàng đã đặt tiền cọc, sau đó mới đi xem cụ thể. Ngày nào cũng có hàng chục khách hàng đến tìm hiểu về các dự án chung cư, đất nền. Mặc dù trụ sở công ty nằm ở TP.HCM, nhưng dự án ở Bình Dương nên Hùng nắm rõ từng lô đất ở Mỹ Phước đến TX.Thuận An, TX.Dĩ An… và cứ có giao dịch thành công là có tiền, áp lực công việc cũng không cao như bây giờ! “Mới đây, mình xin nghỉ việc chỉ vì công ty đưa ra chỉ tiêu quá gắt gao, nếu trong 3 tháng liên tục mà không có giao dịch thành công thì phải ra đi, nên mình xin nghỉ để khỏi mang tiếng bị cho nghỉ việc”, Hùng tâm sự.

Mặc dù nhân viên kinh doanh BĐS hiện không còn được xếp vào nghề thời thượng như trước, nhưng Hoàng Văn Quốc sau khi tốt nghiệp Đại học Mở TP.HCM cũng bất đắc dĩ đầu quân vì khó xin được việc ở lĩnh vực khác. Quốc cho biết, khi phỏng vấn công ty đưa ra đề nghị thử việc 3 tháng, nếu thời gian này mà không môi giới thành công lô đất nào thì công ty sẽ không ký hợp đồng, lương thử việc là 2,5 triệu đồng/tháng, tự lo các chi phí như xăng xe, điện thoại… Vì muốn có việc làm, muốn chứng tỏ sức trẻ và sự năng động của mình Quốc đã đặt bút ký hợp đồng và nghĩ rằng nếu không có khách hàng thì sẽ nhờ anh em, người thân mua giúp. Tuy nhiên, đã qua 3 tháng thử việc mà cả khách hàng và người thân đều không ai mua. Trong khi đó, để có khách Quốc phải tự bỏ tiền túi để đăng quảng cáo rao vặt trên báo. “Hết hạn 3 tháng em đã phải năn nỉ với công ty xin gia hạn thêm 3 tháng nữa với hy vọng thị trường sẽ ấm dần vào dịp cuối năm. Kỳ vọng nhưng lo lắng, nếu hết 3 tháng nữa mà không bán được lô đất nào xem như phải đi xin việc mới”, Quốc nói và cho biết thêm, tâm lý đó không chỉ riêng Quốc mà có lẽ còn đối với rất nhiều nhân viên kinh doanh BĐS hiện nay.

 HIỆP HỘI BẤT ĐỘNG SẢN TP.HCM: Kiến nghị nhiều giải pháp “cứu” bất động sản

 Trước tình hình thị trường bất động sản (BĐS) xuống tận đáy, Hiệp hội BĐS TP.HCM vừa kiến nghị hàng loạt giải pháp nhằm gỡ khó cho thị trường BĐS. Theo đó, tổ chức này kiến nghị Chính phủ cần gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án, mà không cần phải xét DN có khó khăn về tài chính hay không và không phải thông qua HĐND cấp tỉnh để tránh cơ chế “xin - cho” và mất thời gian xét duyệt kéo dài.

Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thuế cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất theo kết quả kinh doanh sản phẩm BĐS để phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, tổ chức này cũng kiến nghị Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2012 cho tất cả DN BĐS, thay vì khoanh vùng đối tượng như trong Nghị quyết 13 của Chính phủ.

Hiệp hội này cũng kiến nghị Chính phủ cần sớm có chính sách kích cầu tiêu dùng để vực dậy thị trường BĐS. Cần có chính sách tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua nhà để ở, đặc biệt là người mua căn nhà đầu tiên hoặc đang ở chật hẹp, được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các nhà đầu tư thứ cấp cũng được vay vốn để tiếp tục kinh doanh BĐS. Đặc biệt, Quốc hội và Chính phủ cần nới rộng điều kiện cho người nước ngoài được mua căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại để tăng cầu và góp phần hồi phục thị trường BĐS.

Cùng với đó, Hiệp hội BĐS TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần điều chỉnh sớm Nghị định 69/2009 và Nghị định 120/2010 về thu tiền sử dụng đất tại các dự án BĐS, bởi theo quy định này, DN vừa phải bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước…

 

 KỲ TÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên