Khi năng lượng hóa thạch cạn kiệt

Cập nhật: 27-11-2009 | 00:00:00

Năng lượng mặt trời được chú trọng phát triển nhưng đưa vào sử dụng còn quá ít.

Nguồn tài nguyên là của cải vô giá mà trái đất hàng tỷ năm tích lũy được nhưng nó không phải là vô tận.

Nguồn tài nguyên sẽ cạn kiệt, sớm hay muộn, điều đó chỉ còn là thời gian và phụ thuộc vào con người. Sự xung đột để tranh giành đã, đang và sẽ tiếp diễn khốc liệt.

Sự suy giảm được báo trước

Theo nhiều dự báo, số cung dầu lửa toàn cầu sẽ còn gia tăng ít ra trong 5 năm tới trước khi đạt đỉnh điểm; khí đốt thiên nhiên và urani có lẽ còn gia tăng trong một hay hai thập kỷ trước khi lên mức tối đa và bắt đầu giảm dần. Phúc trình thị trường dầu lửa trung hạn của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tháng 7-2007 đã kết luận: sản lượng dầu lửa toàn cầu rất có thể đạt 96 triệu thùng/ngày vào năm 2012, nhưng khó thể vượt quá con số này vì những khám phá mới rất hiếm hoi.

82,2% trữ lượng dầu mỏ của thế giới tập trung ở khoảng mười nước: Arab Saudia, Iran, Iraq, Kuwait, Venezuela, Nga, Libi, Kazakstan, Nigieria… 55,8% nguồn cung khí đốt của thế giới tập trung chủ yếu ở 3 nước Nga, Iran, Qatar.

Nga chiếm hơn 10% trữ lượng dầu mỏ, 20% trữ lượng than của thế giới, 7% trữ lượng khí thiên nhiên... Với trữ lượng như vậy, hiện Nga đứng đầu thế giới về khí đốt thiên nhiên, đứng thứ hai về dầu mỏ và là nguồn cung cấp than và urani quan trọng cho thế giới. Song theo nghiên cứu của các chuyên gia, khoảng 20-30 năm nữa tài nguyên thiên nhiên ở Nga sẽ chẳng còn lại là bao. Hiện tỷ lệ khai thác dầu của Nga đã vượt quá 60%, việc tìm kiếm những mỏ mới thay thế ngày càng khó, 50 năm qua việc phát hiện những mỏ mới giảm 10 lần. Thời kỳ hoàng kim năng lượng của Nga sẽ nhanh chóng biến mất và đốâi diện với thời kỳ cạn kiệt tài nguyên.

Saudia Arabia, nước chiếm 25% trữ lượng dầu mỏ thế giới và là nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô hàng đầu thếâ giới. Saudia Arabia giữ một vai trò chủ chốt trong việc làm thỏa mãn những cơn khát “vàng đen” của thế giới. Dầu mỏ đem lại khoản tiền có số dư tương đương với số dư của Trung Quốc có được từ khoản đầu tư và xuất khẩu. Dầu mỏ và khí đốt là con bài kinh tế quan trọng bậc nhất của khu vực Arab.

Từ những năm 1970, dầu mỏ đã đem lại sự hưng thịnh và giàu có cho khu vực này. Nhưng người ta đang lo ngại rằng trữ lượng dầu của nước này đang sụt giảm vì phần lớn dầu lửa của Saudia Arabia được khai thác từ một số mỏ dầu khổng lồ nhưng các mỏ này đã được khai thác quá lâu, hơn một nửa thế kỷ qua, và thực tế đang ngày một khó khai thác hơn. Người ta cũng đang lo ngại về thời kỳ hậu dầu mỏ của khu vực này.

Không chỉ riêng dầu mỏ; các nguồn cung khí đốt tự nhiên, than và urani có thể bắt đầu suy giảm sau một đến hai thập kỷ nữa. Nếu muốn khai thác được than người ta càng phải đào sâu hơn vào trong lòng đất, càng đào sâu càng ngốn nhiều tiền hơn và càng nguy hiểm hơn. Lấy ví dụ ở Trung Quốc khi công việc khai thác than là một công việc nguy hiểm nhất và than là sản phẩm của máu, nước mắt và sinh mạng của biết bao người thợ mỏ cùng với những gì mà trái đất đã tích góp trong lòng hàng tỷ năm.

Các tin tức báo chí hàng đầu trên các trang thương mại hàng ngày cho thấy: số cầu toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng khi hàng trăm triệu người tiêu dùng giàu có đang lên ở Trung Quốc và Ấn Độ đua nhau mua xe hơi; những khu dầu lớn như Ghawar ở Arab Saudia và Canterell ở Mexico nay đang cạn kiệt dần; và số lượng các khu dầu mới được khám phá mỗi năm một ít đi.

Dáng dấp của xung đột năng lượng

Dĩ nhiên, với chiếc bánh năng lượng đang nhỏ dần đi trong khi cơn đói năng lượng ngày càng trầm kha, thì việc xảy ra xung đột, tranh giành là hậu quả tất yếu. Ở đâu có dầu mỏ ở đó có quân đội Mỹ hay ngoại giao năng lượng của Trung Quốc… là ví dụ cho cuộc chiến giành giật năng lượng đã, đang và sẽ diễn ra khốc liệt. Xung đột năng lượng xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Không đủ nguồn năng lượng đáp ứng. Peter Odell, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Thế giới và sức mạnh của dầu mỏ”, nhận định thế giới sẽ vẫn phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí đốt và than đá từ nay cho đến hết thế kỷ này. Khả năng đáp ứng đang giảm xuống trong tương lai không xa.

Những nguồn năng lượng thay thế còn hạn chế. Những nguồn năng lượng như năng lượng gió, mặt trời, thủy điện… Nguồn năng lượng mới này được nhìn nhận như là một giải pháp thay thế hết sức cần thiết để bù đắp cho các nguồn năng lượng hiện có đang ngày càng cạn kiệt và để giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm thay đổi khí hậu toàn cầu. Triển vọng trước mắt của nguồn năng lượng tái sinh còn khá mờ tối.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, những năng lượng có thể tái tạo, như gió, mặt trời, nước... chỉ đóng góp 7,4% tổng số cung toàn cầu năm 2004; năng lượng sinh học 0,3%. Trong lúc đó, năng lượng hóa thạch chiếm 86%, năng lượng nguyên tử 6%. Căn cứ trên tỷ suất phát triển và đầu tư hiện nay, Bộ Năng lượng Mỹ đã đưa ra dự báo không mấy lạc quan: Năm 2030, tỷ lệ năng lượng hóa thạch vẫn ở mức 86% như năm 2004; các năng lượng có thể tái tạo cũng chỉ gia tăng không đáng kể - lên 8,1%.

Xung đột về quyền lợi từ những nguồn năng lượng: Chỉ có khoảng 12 quốc gia dồi dào năng lượng, không những đủ thỏa mãn nhu cầu quốc nội mà còn thừa để xuất khẩu. Tất cả các nước này đã giữ một vị trí ưu đãi, được lợi khi giá năng lượng toàn cầu tăng cao và đạt được nhiều nhượng bộ chính trị quan trọng từ các nước khách hàng.

Năm 2006, các nước xuất khẩu năng lượng đã thu được 970 tỷ USD từ các nước nhập khẩu. Phần lớn số USD, yên và EUR này đã được ký thác trong các quỹ đầu tư của chính phủ (SWF). Trong những tháng gần đây, các Quỹ SWF vùng vịnh Ba Tư đã lợi dụng suy thoái tài chính ở Mỹ để có được nhiều khu vực kinh tế chiến lược ở Mỹ.

Cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc công nghiệp hóa cũ và mới: các nước đang phát triển ngày nay “ngốn” một tỷ lệ ngày một lớn hơn trong số cung năng lượng toàn cầu. Năm 2010, con số này được dự đoán lên tới 40% và có thể tới 47% vào năm 2030. Trung Quốc được dự đoán tiêu thụ 17% tổng số cung năng lượng thế giới vào năm 2015 và 20% năm 2025.

Nếu đà này tiếp tục, vào thời điểm 2025, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới. Năm 2004, Ấn Độ sử dụng 3,4% năng lượng toàn cầu, và tỷ suất dự đoán sẽ lên đến 4,4% vào năm 2025, trong khi số tiêu thụ trong các nước công nghiệp hóa nhanh chóng khác như Brazil, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiếp tục gia tăng.

Các nước công nghiệp hóa đang lên này sẽ phải cạnh tranh với các cường quốc kinh tế để tiếp cận những nguồn năng lượng hiện chưa được khai thác - phần lớn đã nằm trong tay các công ty năng lượng phương Tây như Exxon Mobil, Chevron, BP, Total và Royal Dutch Shell. Các nước này đã thành lập các công ty quốc doanh và quan hệ đồng minh chiến lược với các công ty dầu quốc gia đang giữ quyền kiểm soát các trữ lượng dầu và khí đốt thiên nhiên ở các quốc gia giàu năng lượng.

(Theo SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=394
Quay lên trên