Khi người được phục vụ hài lòng

Cập nhật: 28-07-2018 | 16:03:32

Mới đây, tại Hội nghị đối thoại lần thứ I-2018 giữa Cục Hải quan Bình Dương với các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương, ngoài đại diện lãnh đạo Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), các DN trực tiếp làm công tác xuất nhập khẩu còn có sự hiện diện của ngài Yang Seung Hyuk, Tham tán Hải quan Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy tầm quan trọng, sự quan tâm về chính sách, pháp luật của các DN đầu tư nước ngoài về thủ tục hải quan, cũng như hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, năng lực chủ động hội nhập của Hải quan Bình Dương với hải quan quốc tế.

Sau nhiều gợi ý về các sai phạm thường gặp nhằm hướng DN đến sự tự giác tuân thủ và nhiều câu hỏi liên quan đến những thay đổi trong các quy định của pháp luật về thủ tục hải quan, những vướng mắc của DN trong thực hiện thủ tục được đại diện DN nêu và đại diện hải quan trả lời trực tiếp tại hội trường, ngài Yang Seung Hyuk, ngồi trên ghế chủ tọa, cũng trực tiếp đặt câu hỏi: Phân tích phân loại hàng hóa theo Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính có khác gì so với quy định trước đây. Khi có yêu cầu, kiến nghị, DN kiến nghị trực tiếp hay phải thông qua cơ quan hải quan?

Ngồi ở hàng ghề chủ tọa, ông Dương Hồng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, trả lời trực tiếp: Điểm sửa đổi, bổ sung mới trong phân tích phân loại hàng hóa theo Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính là minh bạch, cụ thể hóa thời gian làm thủ tục và hồ sơ xác định mã số hàng hóa trước. Quy định trước đây không yêu cầu bắt buộc DN phải nộp tài liệu kỹ thuật của hàng hóa trong hồ sơ đề nghị xác định mã số trước. Khi gặp phải trường hợp mặt hàng phức tạp, khó xác định mã số cần phải xem xét tài liệu kỹ thuật, thậm chí phải giám định phân tích mới xác định được mã số thì cơ quan hải quan phải yêu cầu và chờ DN bổ sung tài liệu kỹ thuật của hàng hóa gây kéo dài thời gian. Điểm mới của quy định nói trên yêu cầu DN thực hiện thủ tục xác định mã số trước 60 ngày...

Riêng về kiến nghị của DN, ông Hạnh đã nêu ra một số tình huống như sau: Nếu DN gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục tại Hải quan Bình Dương thì DN phản ánh, kiến nghị trực tiếp tại nơi làm thủ tục. Nếu vướng mắc về cơ chế chính sách, DN có thể phản ánh trực tiếp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính. Nếu vướng mắc về pháp luật, DN có thể phản ánh đến Chính phủ. Câu trả lời ngắn gọn, thẳng thắn và đầy đủ nội dung của ông Hạnh đã nhận được sự hài lòng, đánh giá cao từ phía các nhà đầu tư Hàn Quốc. “Tôi hài lòng. Cảm ơn phần trả lời rất đầy đủ, dễ hiểu của ngài phó cục trưởng”, ngài Yang Seung Hyuk nói.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị, ngài Yang Seung Hyuk, chia sẻ luật pháp luôn có sự thay đổi để phù hợp với thực tế xã hội. Hội nghị đối thoại do Hải quan Bình Dương tổ chức cho thấy tính cầu thị, chủ động hướng DN đến thực thi pháp luật của Hải quan Bình Dương. Đây vừa là sự tiến bộ, tôn trọng cũng vừa là sự khẳng định năng lực, đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước.

Đất nước đang chuyển mình thay đổi từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ nhằm tạo sự tiện lợi và hài lòng cho mọi người. Câu trả lời của người được phục vụ “Tôi hài lòng” sẽ là động lực tốt để người phục vụ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ được giao.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên