Trong 10 năm qua, Hội Người mù (HNM) tỉnh đã xây dựng và triển khai chương trình về việc làm, giảm nghèo giai đoạn (2008-2018). Chương trình này đã đẩy mạnh việc dạy nghề và tạo việc làm, chăm lo đời sống người mù, hội viên (HV) có cuộc sống ngày càng tốt hơn, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người mù.
Sau 10 năm triển khai chương trình, nhiều hộ gia đình người mù đã thoát nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định. HNM tỉnh đã xây dựng những chỉ tiêu cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời hướng dẫn HNM các huyện, thị xã xây dựng đề án ở cấp mình; tổ chức tập huấn cho cán bộ hội các cấp về nội dung chương trình và mục tiêu phấn đấu, đồng thời tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh và các ban ngành chức năng địa phương và cộng đồng xã hội để giúp HV vươn lên thoát nghèo.
HV người mù làm chổi tại cơ sở làm chổi - tăm Phú Lợi
Theo bà Huỳnh Thị Khuyên, Phó Chủ tịch HNM tỉnh, trước đây, hầu hết gia đình HV thuộc diện nghèo, khó khăn. Ở HNM tỉnh, hiện có 57 cán bộ, nhân viên làm việc ở cơ sở làm tăm, chổi, massage đều đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Doanh thu 5 cơ sở massage đạt gần 27 tỷ đồng trong 10 năm qua. Cơ sở sản xuất kinh doanh chổi ở phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) đạt gần 8 tỷ đồng và 7 cơ sở tăm tre đạt hơn 1,3 tỷ đồng. Các cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho 105 người mù với mức lương bình quân đạt hơn 3,3 triệu đồng/người/tháng. Các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương HV cũng được tiếp cận, từ đó có điều kiện để họ vươn lên vượt khó. Trong 10 năm qua, các cấp hội đã lập 224 dự án, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải quyết việc làm cho 1.394 lượt người mù vay vốn với tổng số vốn xoay vòng hơn 14 tỷ đồng. Hầu hết HV vay vốn đầu tư vào sản xuất, chăm sóc cao su, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm và dịch vụ buôn bán nhỏ. Qua đó còn thu hút nhiều lao động khác, chủ yếu là thân nhân trong gia đình người mù cũng có việc làm, hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình người mù ngày càng cao. Điều đặc biệt là 100% HV vay vốn đều hoàn trả vốn gốc và lãi cho ngân hàng đúng hạn, không có nợ quá hạn, không có vốn tồn đọng tại ngân hàng. Nhiều gia đình người mù đã có tích lũy xây sửa được nhà ở, mua các đồ dùng cho gia đình, nuôi con ăn học.
Về chương trình dạy nghề, hội cũng đã tổ chức 1 lớp dạy nghề làm chổi cho 10 người mù, 1 lớp xoa bóp cho 8 người, 6 lớp học vi tính cho 35 cán bộ HV, cử 3 HV đi đào tạo tin học tại TP.Hồ Chí Minh, 30 người mù đi học nghề massage tại TP.Hà Nội, tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai và đã bố trí việc làm ổn định… Hội còn phối hợp với Ủy ban MTTQ, đoàn thể các cấp vận động xây mới 50 căn nhà đại đoàn kết cho người mù khó khăn về nhà ở, tặng 56 sổ tiết kiệm với số tiền 43,5 triệu đồng, 100% con người mù học tại các trường mầm non, phổ thông, trung học chuyên nghiệp và đại học trong tỉnh đều được miễn học phí, tiền đóng góp sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp…
Một số gia đình mà vợ chồng đều là HV người mù nhiều năm trước khó khăn nhưng nay đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống có thể kể đến như anh Trần Đình Phương, chị Nguyễn Thị Thu Thủy; anh Nguyễn Ngọc Văn, chị Bùi Thị Hòa… Anh Văn, chị Hòa đều là nhân viên massege và thu nhập bình quân gần 8 triệu đồng/tháng. Họ ăn trưa, tối ở HNM với gạo, rau được hỗ trợ nên mỗi ngày chỉ đóng 10.000 đồng/tiền chợ/người. Số tiền kiếm được đủ để anh chị tiết kiệm, lo cho con cái ăn học.
“Ý thức vươn lên của HV rất lớn và ai cũng cố gắng để tự lo cho bản thân mình, không làm phiền đến người thân, hòa nhập với cộng đồng. Phần của tổ chức HNM các cấp sẽ tiếp tục mở lớp dạy nghề, thành lập cơ sở dạy nghề để tất cả người mù trong tỉnh có điều kiện vươn lên thoát nghèo…”.
(Bà Huỳnh Thị Khuyên, Phó Chủ tịch HNM tỉnh)
QUỲNH NHƯ