Khi nông dân thay đổi tư duy…

Cập nhật: 01-11-2022 | 08:42:50

Trái cây có múi được xem là “điểm tựa kinh tế” của người nông dân Bắc Tân Uyên với năng suất vượt trội. Tuy nhiên, khi sản phẩm nông nghiệp này “lên ngôi” thì cũng là lúc người nông dân phải canh cánh nỗi lo “được mùa, mất giá”… May mắn thay, vẫn có những vị “thuyền trưởng” tìm cách xoay chuyển tình hình, làm chủ “cuộc chơi” để có thể sống được trên chính từng thửa đất của mình.

 Anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Dân Tiến chăm chút cho từng sản phẩm

 Người trẻ giàu nghị lực

Chúng tôi về “thủ phủ cây có múi” Bắc Tân Uyên trong những ngày tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá phân bón lên, giá nông sản xuống thấp… Nguyên nhân chính của sự khó khăn được cho là diện tích các loại cây trồng này tăng đột biến, thị trường rơi vào cảnh cung vượt cầu đã xảy ra như dự báo từ vài năm trước; thậm chí còn có tin một số nông dân phải bỏ vườn, tìm việc khác để mưu sinh vì trót chạy theo “trào lưu” cây có múi năm nào. Thế nhưng, trong điều kiện khó khăn này, vẫn có những nông dân có thu nhập tốt nhờ tư duy và cách làm mới trong sản xuất, mua bán nông sản.

Ngồi với chúng tôi sau buổi sáng bám vườn, bám cây, tay vân vê chén trà tươi, anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Dân Tiến (xã Tân Định), chia sẻ những khó khăn trong sản xuất, điều mà những người trẻ làm nông nghiệp thường nản lòng bỏ cuộc nhưng với anh vẫn rất lạc quan. “Khó khăn là chuyện chung của nông dân trong cả nước chứ không chỉ riêng với nông dân Bắc Tân Uyên, phải sẵn sàng đối diện và tìm cách vượt qua chứ đâu còn cách nào khác. Bên cạnh tổ chức lại sản xuất theo hướng “dồn điền, đổi thửa” liên kết các hộ nông dân thành lập HTX, hiện nay rất nhiều nông dân Bắc Tân Uyên chọn lựa phát triển theo hướng hữu cơ, tạo ra nông sản sạch, chất lượng… mang lại hiệu quả kinh tế cao”, anh Nguyễn Văn Tiến bộc bạch.

“Không phải tất cả nông dân trồng cây ăn trái đều gặp khó mà tùy theo chất lượng sản phẩm. Hiện nay, nhiều nhà vườn bán bưởi giá lẻ 12.000 - 14.000 đồng/kg không ai mua thì nhiều nhà vườn bán sỉ giá 24.000 - 25.000/kg vẫn không có mà bán. Đơn cử sản phẩm bưởi tại trang trại bác Ba Chiến (xã Tân Định) giá cao, 25.000 đồng/kg không có mà mua. Nói ra điều này để thấy rằng chất lượng sản phẩm sẽ quyết định thị trường. Khi thị trường nhiều nguồn cung, người tiêu dùng sẽ chọn những sản phẩm chất lượng. Trong vài năm qua, nhiều trang trại, HTX đã chuyển hướng hữu cơ, cho ra chất lượng cam, bưởi, quýt vượt trội được thị trường ưa chuộng. Không chỉ có chỗ đứng vững vàng tại địa phương, sản phẩm HTX Dân Tiến đang tiêu thụ rộng khắp các tỉnh phía Bắc và chúng tôi hướng tới xuất khẩu”, anh Tiến cho biết.

Anh Nguyễn Văn Tiến khẳng định vùng trồng của thành viên HTX không sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà ưu tiên dùng các chế phẩm sinh học, thảo mộc. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật góp phần thiết lập hệ sinh thái cân bằng, giảm số lần xử lý nông dược, giảm chi phí đầu tư, nâng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho thành viên. Tuy không phải là chuyện “một sớm, một chiều” nhưng đến nay những nỗ lực để việc bảo vệ môi trường đã trở thành ý thức của các thành viên HTX và giúp sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.

Trong câu chuyện của người nông dân 8x này với chúng tôi luôn đầy say mê khi nói về mong muốn xây dựng chuỗi liên kết khép kín, bền vững trong trồng trọt gắn với chăn nuôi và cả mô hình du lịch sinh thái. Chỉ tay về phía khu nhà nổi trên ao cá đang thi công phía dưới sườn núi xanh ngát bưởi, cam, quýt anh Tiến cho biết chỉ có phát triển cây trồng theo hướng hữu cơ thì cá trong ao mới sống được, môi trường sinh thái được bảo vệ. Anh đang đầu tư xây dựng những nhà hàng đồng quê trên mặt hồ, sắp đến sẽ mở cửa đón khách tham quan, học sinh đến trải nghiệm thực tế mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp với chăn nuôi…

Bán cái thị trường cần

Rời Tân Định, chúng tôi tìm về xã Tân Mỹ. Con đường từ UBND xã Tân Mỹ về HTX Tân Mỹ rợp bóng mát của vườn cây ăn trái. Vùng đất Chiến khu Đ năm xưa đã thực sự “thay da đổi thịt”, một phần trong đó cũng nhờ lòng nhiệt huyết của những người nông dân trẻ dám thay đổi mình. Gặp chúng tôi, anh Lê Minh Sang, Giám đốc HTX Tân Mỹ, không ngớt chia sẻ về câu chuyện gây dựng thị trường trong thời buổi kinh tế khó khăn. “Trên thực tế, rất nhiều nông dân hầu như chỉ biết “cái mình có” là trồng được bao nhiêu ha bưởi, cam, quýt… còn “cái thị trường cần” như mùa vụ, sản lượng, chất lượng, yêu cầu của người tiêu dùng… thì chưa chắc chắn. Cũng vì chưa sâu sát, chưa nắm bắt thị trường nên xảy ra nhiều đợt “giải cứu” nông sản cho nông dân. Để cân đối hài hòa, hợp lý giữa sản xuất và thị trường, đưa cung - cầu hàng hóa nông sản vào quỹ đạo kinh tế thị trường, nông dân cần thay đổi tư duy, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”.

 Sản phẩm của HTX Tân Mỹ (xã Tân Mỹ) tham gia rất nhiều chương trình, hội chợ kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh

Trong câu chuyện xuyên trưa, anh Sang luôn nhắc đến thông tin thị trường nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang mở ra rất lớn. Trước cơ hội đó, nông dân cũng chú trọng nhiều hơn đến chất lượng thông qua việc bảo đảm những tiêu chí về an toàn thực phẩm. Anh hy vọng rồi đây, đường mới sẽ mở.

“Chúng tôi luôn nói với các thành viên HTX Tân Mỹ rằng, để quả bưởi nói riêng, nông sản nói chung tiếp cận với những thị trường có giá trị cao, được các nhà phân phối săn tìm, người tiêu dùng đón nhận cần có tư duy, phương thức sản xuất mới, hướng tới bảo đảm chất lượng ổn định. Nói cách khác, người nông dân cần sản xuất theo quy trình với những tiêu chuẩn chặt chẽ. Do vậy, vấn đề hiện nay không chỉ là đổi mới phương thức tiêu thụ sản phẩm thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin mà còn phải tổ chức sản xuất theo những quy trình canh tác an toàn và “nói không” với hóa chất gây hại”, anh Sang nói. Cũng theo anh Sang, đó là yếu tố căn cốt để nông sản thỏa mãn đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng cũng như các nhà nhập khẩu. Bảo vệ môi trường xanh, sạch trong cả quá trình canh tác nông nghiệp là một trong những điểm mấu chốt giúp HTX cây ăn trái Tân Mỹ định vị được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Đây cũng là nền tảng để HTX có những chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.

Để làm được điều đó, HTX Tân Mỹ xây dựng một hệ sinh thái đồng hành cùng người nông dân trong suốt chiều dài của chuỗi giá trị, từ cung ứng nguyên liệu “đầu vào” sản xuất đến “đầu ra” tiêu thụ sản phẩm. Qua đó giúp người nông dân tiếp cận tri thức, công nghệ mới, đồng thời từng bước thay đổi nhận thức, tư duy, hướng tới phương thức sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng và tạo ra giá trị mới cho sản phẩm.

HTX Tân Mỹ cũng xây dựng các nhóm tương tác để thường xuyên chia sẻ thông tin về thị trường, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, hỗ trợ điều chỉnh kỹ thuật canh tác phù hợp và cảnh báo sớm những hệ lụy có thể xảy ra. Từ công việc hàng ngày, các thành viên cùng hình thành ý thức tuân thủ quy trình sản xuất. Và để nông sản đến gần nhất với thị trường, tất cả những hội chợ lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh, anh Sang đều cố gắng đem sản phẩm của HTX đến trưng bày, giới thiệu để người tiêu dùng ngày càng biết nhiều hơn đến HTX Tân Mỹ với những quy trình sản xuất xanh, sạch.

 Rời Bắc Tân Uyên sau những câu chuyện cùng những nông dân giàu ý chí, chúng tôi tin rằng sẽ sớm thôi việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị trong sản phẩm sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển bền vững. Những nông dân hiện đại, văn minh, chuyên nghiệp sẽ biết tự bảo vệ sản phẩm trước sóng gió thị trường.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=621
Quay lên trên