Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương vừa hoàn thành giai đoạn 2. Khu liên hợp này có thể tiếp nhận xử lý 3.000 tấn rác sinh hoạt và hơn 1.000 tấn rác công nghiệp. Rác sau khi xử lý sẽ biến thành phân bón compost (công suất 840 tấn phân/ngày), thành điện (công suất 820 KW), thành nguyên liệu làm gạch (hàng trăm tấn/ngày). Với vốn đầu tư hơn 30 triệu USD, dự án được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá là “khoa học, văn minh”.
Như vậy, mỗi ngày, hàng ngàn tấn rác thải tại Bình Dương sau khi thu gom được xử lý biến thành gạch, phân bón và điện năng, góp phần đáng kể trong việc bảo vệ môi trường. Những năm qua, Bình Dương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tỷ lệ đô thị hóa ngày càng cao. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường tại Bình Dương cũng phải chịu những áp lực lớn, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều dự án, đề án bảo vệ môi trường, nhất là trong giai đoạn 2016-2020.
Hiện Bình Dương đang phấn đấu trở thành nơi có môi trường sống tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường; kết hợp các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các quy hoạch, dự án phát triển. Tỉnh cũng luôn quan tâm bảo đảm cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu… Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương ra đời cho thấy sự quyết tâm của tỉnh nhà không đánh đổi phát triển bằng mọi giá, mà có sự cân nhắc, lựa chon chiến lược rất khoa học. Thành công của việc biến rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt thành nguồn năng lượng phục vụ đời sống một lần nữa cho thấy, Bình Dương tiếp tục là điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường.
HOÀNG PHONG