Khoảng trống khó lấp đầy mang tên Shinzo Abe

Cập nhật: 18-07-2022 | 07:01:36

Chiếc xe đưa linh cữu cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chạy chầm chậm về phía đền Zojoji, Tokyo, nơi nghi thức truyền thống Tsuya diễn ra vào tối 11-7, một ngày trước lễ tang của ông. Vị chính khách tận tụy làm việc không một ngày nghỉ ngơi, giờ đây đã phải “nghỉ ngơi” theo cách đầy đau xót.

Vụ ám sát nhằm vào cựu Thủ tướng Shinzo Abe sẽ mãi mãi để lại khoảng trống không thể lấp đầy trong chính trường Nhật Bản.

Tiếng súng oan nghiệt

11h30 phút trưa 8-7, như những ngày làm việc khác, cựu Thủ tướng Shinzo Abe đến thành phố Nara để tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử cho ứng viên đảng LDP của mình. Phía trước nhà ga Yamato-Saidaiji, ông xuất hiện lịch sự và thân thiện, tương tác với người dân ở vị trí rất gần, theo cách mà các chính trị Nhật Bản thường sử dụng. Chẳng ai ngờ rằng, trong khoảnh khắc bình dị vô cùng, tại một đất nước an bình bậc nhất, vị chính trị gia kỳ cựu lại bị bắn gục bởi một tay súng là cư dân địa phương.

Người dân đặt hoa tưởng niệm cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Phát súng thứ nhất vang lên, ông Abe và những cộng sự ngỡ ngàng nhìn làn khói trắng. Phát súng thứ hai vang lên, cựu Thủ tướng Nhật Bản ngã khuỵu xuống, bất tỉnh, với máu phủ đầy trên chiếc áo sơ mi trắng của ông. Kẻ sát nhân, Tetsuya Yamagami, bình thản đứng yên sau khi gây án. Ngay cả trong lúc lấy lời khai, hắn vẫn lạnh lùng đưa ra những lời “nhỏ giọt” về một trong những vụ sát hại chính khách rúng động nhất thế giới. Tại cơ quan điều tra, Yamagami khai rằng mẹ hắn là một tín đồ của một tổ chức tôn giáo và đã góp "khoản tiền khổng lồ" vào tổ chức này, khiến gia đình lâm cảnh khốn cùng. Hắn nhắm mục tiêu ông Abe vì tin rằng ông có quan hệ với tổ chức tôn giáo đó, chứ không có động cơ chính trị. Yamagami cũng khai rằng hắn đã đến một địa điểm mà ông Abe vận động tranh cử ở thành phố Okayama trước đó một ngày... 

“Khoảng trống không thể lấp đầy”

Đó là lời tâm gan mà Tomohiko Taniguchi, vị giáo sư từng đảm nhận việc soạn thảo bài phát biểu về chính sách đối ngoại cho ông Abe trong suốt 8 năm, chia sẻ. Giây phút cựu Thủ tướng Shinzo Abe gục xuống bởi vết thương chí mạng từ khoảng cách quá gần, thế giới nhận ra rằng, vụ ám sát khủng khiếp này đã và sẽ thay đổi nước Nhật mãi mãi. Đối với người dân Nhật Bản, ông Shinzo Abe là cha đẻ, người kiến tạo nên chính sách Abenomics nổi tiếng giúp vực dậy thành công nền kinh tế xứ sở Phù Tang sau hơn 2 thập kỷ trì trệ.

Vào năm 2006, ở độ tuổi 52, ông Shinzo Abe trở thành Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), đồng thời trở thành thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến, kết thúc một thời kỳ hỗn loạn trên chính trường Nhật khi vị trí này liên tục thay đổi, thậm chí mỗi năm một lần. Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang rơi vào tình trạng trì trệ trong suốt 2 thập kỷ và ảnh hưởng từ trận sóng thần năm 2011, cũng như thảm họa hạt nhân Fukushima, ông Abe đề xuất kế hoạch cải cách kinh tế “Abenomics” để hồi sinh nền kinh tế, với nhiều thành tựu vĩ đại. Ngay cả khi ông từ chức, sức ảnh hưởng của ông vẫn mạnh mẽ trong nội bộ đảng cầm quyền LDP.

Vì thế, theo Michael MacArthur Bosack, cố vấn đặc biệt về quan hệ chính phủ tại Hội đồng Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Yokosuk, vụ ám sát để lại khoảng trống rất lớn trong LDP. Phe lớn nhất trong đảng do ông Abe lãnh đạo sẽ phải tìm một người dẫn dắt mới. Cánh bảo thủ của đảng cũng mất đi người có ảnh hưởng nhất, trong khi LDP không còn một "người gác cổng" vững vàng.

Tiếc thương chính khách tuyệt vời

Đối với thế giới, sự ra của ông Shinzo Abe là đòn giáng mạnh vào sự ổn định chính trị, khi Nhật Bản là quốc gia gần như không có súng đạn. Quan trọng hơn, ông là một nhà ngoại giao tích cực, người đi đầu trong nỗ lực nâng cao vị thế của Nhật Bản trên bản đồ ngoại giao hiện đại, đồng thời định hình lại quan hệ chính trị đối ngoại, kinh tế đối ngoại của Nhật Bản với các quốc gia khác. Vai trò nổi bật trong những “điểm nhấn” này giúp ông trở thành chính khách có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên trường quốc tế trong khoảng một thập kỷ qua.

Còn đối với Việt Nam, ông Shinzo là một người bạn lớn, vị chính khách dành tình cảm đặc biệt và đóng góp vào việc vun đắp cho mối quan hệ giữa hai nước. Ông là Thủ tướng Nhật Bản công du đến Việt Nam nhiều nhất, với 4 chuyến thăm. Trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông đã 2 lần thăm chính thức Việt Nam vào năm 2013, 2017 và 2 lần đến Việt Nam tham dự Hội nghị APEC vào các năm 2006, 2017. Các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Abe Shinzo đánh dấu những giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước, với việc hai nước khởi sự xây dựng quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2006 và nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược sâu rộng vào năm 2014.

Việc Thủ tướng Abe mời Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Nhật Bản tháng 5-2016 và G20 tổ chức tại Osaka vào cuối tháng 6-2019 đã khẳng định ông luôn coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam. Không thể phủ nhận, Thủ tướng Abe là người có công vun vén, đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản bước vào một giai đoạn được đánh giá là tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn không chỉ đối với người dân và đất nước Nhật Bản mà cả với người dân và đất nước Việt Nam.

Trong buổi chiều đau buồn ấy, phu nhân cựu Thủ tướng Shinzo Abe - bà Akie Abe cùng những người yêu quý và kính trọng ông, tiễn đưa vị chính khách tuyệt vời trên chặng đường cuối cùng trở về đất mẹ. Sự ra đi của ông để lại vết sẹo lớn trong trái tim Nhật Bản, với sứ mệnh dang dở ông đã tận tụy thực hiện từng ngày. Thế giới bàng hoàng và đau xót nói lời từ biệt vị chính khách vĩ đại ấy, người đã góp phần kiến tạo nên một Nhật Bản tươi đẹp hơn, một thế giới hòa bình hơn.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1476
Quay lên trên