Khởi nghiệp từ sản xuất, kinh doanh tinh dầu sả chanh

Cập nhật: 29-03-2021 | 08:17:54

Con đường khởi nghiệp của chị Phan Thị Mỹ Trang (ảnh), hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo tưởng chừng như gian nan, trắc trở, cho đến khi cơ duyên đến với chị một lần rất tình cờ. Trong một lần đưa con đi dạo, chị Trang thấy nhà hàng xóm bỗng nhiên đốt một vườn sả 700m² do trồng nhưng không có đầu ra. Ý tưởng bắt đầu lóe lên trong đầu chị, chị bắt đầu hình dung ra một “lò” nấu tinh dầu sả chanh “handmade” từ đó.

 Chị Trang tại gian hàng giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện do hội phụ nữ tổ chức

 Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ hóa tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, chị Phan Thị Mỹ Trang tiếp tục học cao học ngành này tại trường Đại học Bách khoa. Ra trường, chị làm giáo viên dạy hóa của một trường cấp 3 tại quận Gò Vấp (TP.Hồ Chí Minh). Không có duyên với nghề giáo, chị lấy chồng, sinh con thứ nhất và tiếp tục đầu quân cho một công ty dược tại Phú Giáo. Làm việc tại đây 3 năm liền, chị lại nghỉ việc để sinh bé thứ 2.

Sau khi nghĩ đến mô hình sản xuất, kinh doanh tinh dầu sả chanh, chị bắt đầu từ một nồi tinh dầu sả chanh với 50kg nguyên liệu, chị tự nấu thủ công rồi tìm đầu ra cho món hàng mà mình vô tình biết đến. Sau khi được nhiều người biết đến mặt hàng này, chị mạnh dạn nhập thêm dụng cụ nấu tinh dầu để tăng số lượng cho mỗi lần nấu tinh dầu là 100kg nguyên liệu. Ngày nấu tinh dầu, đêm đến chị tìm hiểu các khóa học marketing online thông qua các kênh mạng xã hội để tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ sự chăm chỉ, cần cù của chị, các đơn hàng ngày càng nhiều hơn.

Chị Trang chia sẻ: “Nhằm góp phần chung tay cùng với phụ nữ cả nước thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, bản thân tôi luôn phấn đấu phát triển bản thân, tích cực tham gia các phong trào đoàn thể và giúp đỡ các chị em phụ nữ cùng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong thời gian sinh sống và làm việc tại địa phương, tôi được hội phụ nữ tuyên truyền về Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” nên tôi mạnh dạn lên ý tưởng khởi nghiệp cho bản thân mình.

Năm 2018, tôi tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Giáo phát động với Đề án: “Sản xuất, kinh doanh tinh dầu sả chanh”, kết quả đoạt giải nhất. Từ đó, với sự động viên của các chị em trong hội cùng với sự hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp, tôi phát triển ý tưởng thành hiện thực, sản xuất tinh dầu sả chanh, mở cửa hàng Quà Tây nguyên để phân phối tinh dầu sả và các sản phẩm nông nghiệp khác, phục vụ nhu cầu của bà con địa phương và các tỉnh bạn” .

Không dừng lại ở đó, đầu năm 2019, chị Trang tiếp tục nhập máy móc, thiết bị, bao bì, nguyên liệu và phát triển thêm lĩnh vực sản xuất cà phê rang xay mộc nguyên chất, với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch và lành, tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ xã nhà. Đến nay, mô hình kinh doanh của chị đã hoạt động có hiệu quả, tạo được uy tín trên thị trường. Mô hình kinh doanh đã tạo công ăn việc làm cho gia đình và việc làm bán thời gian cho 2 hội viên phụ nữ xã, giúp chị em có thêm thu nhập. “Bản thân tôi nhận thấy nhờ kinh doanh, tôi vừa có thời gian chăm sóc con cái và gia đình, vừa có thể kiếm thu nhập để vươn lên làm giàu”, chị Trang chia sẻ thêm.

Nhờ sự tổ chức kết nối của các đoàn thể và hội phụ nữ, chị Trang có cơ hội tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tinh dầu sả chanh, cà phê mộc nguyên chất tại các sự kiện: 20 năm tái lập huyện Phú Giáo, hội nghị biểu dương phụ nữ điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020...

Tuy nhiên, chị Trang vẫn còn trăn trở: “Tôi mong muốn mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm nhiều hơn nữa cho các chị em phụ nữ khó khăn, phụ nữ đang nuôi con nhỏ trên địa bàn. Tuy nhiên, việc kết nối giao thương vẫn chưa được thông suốt, thủ tục vay vốn vẫn còn là trở ngại để những người khởi nghiệp như tôi khó đạt được mục tiêu đề ra”.

Song song với việc phát triển ý tưởng kinh doanh của bản thân, năm 2018, chị Trang cùng chị Đỗ Thị Đang và Lương Thị Nhị, là 2 hội viên phụ nữ xã Tân Hiệp hợp tác mở mô hình chăn nuôi vịt. Nhận thấy việc chăn nuôi công nghệ cao giúp hạn chế dịch bệnh, giảm nhân công, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên các chị đã phát triển mô hình dần lên thành mô hình “Nuôi vịt trên sàn trong môi trường lạnh”. Sau khi trừ chi phí, có năm, các chị lãi hàng tỷ đồng. “Giữa năm 2020, chúng tôi đã đưa Đề án “Nuôi vịt trên sàn trong môi trường lạnh” tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương hội phát động. Đề án được đánh giá có tính thực tiễn cao và được chọn vào vòng thi phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng.

 HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1323
Quay lên trên