Khơi thông tiềm năng sau 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ

Cập nhật: 07-07-2015 | 08:39:02

Kỳ 1: Đón đầu cơ hội

Ngày 12-7-2015 tròn 20 năm Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ. 20 năm qua, nhiều nhà đầu tư của Hoa Kỳ đã có mặt, khởi động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam như P&G, Uniliver, Cocacola… mà Bình Dương là điểm đến thuận lợi để đặt nhà máy, phát triển sản xuất. Sự nhanh chân của những công ty này đã chứng minh rằng quyết định bình thường hóa quan hệ, phát triển hợp tác đầu tư giữa hai nước là rất sáng suốt, phù hợp với lòng mong đợi của nhân dân hai nước. Riêng Bình Dương là nơi P&G chọn để xây dựng nhà máy và liên tục mở rộng sản xuất trong suốt 20 năm qua.

Các đại biểu cùng lãnh đạo Công ty Procter & Gamble (P&G) động thổ khởi công mở rộng nhà máy sản xuất tã giấy nhãn hiệu Pampers tại KCN Việt Nam - Singapore I

Trao đổi với các nhà báo nhân sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, ông Lê Văn Bàng, đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ nhắc lại: “Thời khắc công bố quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, anh em trong cơ quan ôm nhau vỡ òa vì phải mất đến 20 năm sau khi kết thúc chiến tranh chúng ta mới có được. Nhiệm vụ của những người làm ngoại giao là đi trước, vừa tuyên truyền vận động để hóa giải “hội chứng chiến tranh” vừa mời gọi các nhà đầu tư về Việt Nam hợp tác, làm ăn trên tinh thần “xếp lại quá khứ, hướng đến tương lai”. Với dân số trên 80 triệu người, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng và có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, sản xuất hàng tiêu dùng, thuốc chữa bệnh, thực phẩm đến từ Hoa Kỳ”.

P&G nhanh chân đón đầu cơ hội

Trùng khớp với thời điểm lịch sử trọng đại Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tháng 7-1995, Công ty P&G Việt Nam (Procter & Gamble) cũng được thành lập và đi vào hoạt động tại tỉnh Sông Bé với số vốn đầu tư 82 triệu đô la Mỹ. Nhà máy chính đặt tại xã Bình Hòa, huyện Thuận An (nay là phường Bình Hòa, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) sản xuất các sản phẩm nổi tiếng toàn cầu về chăm sóc sức khỏe cá nhân như: Tả giấy Pampers; dầu gội, sữa tắm Head & Shoulder, Pantene, Rejoce, Olay; xà bông thơm Camay, Safeguard; bột giặt Ariel, Tide, nước xả Downy; dao cạo râu Gillette… Mặc dù chịu sự cạnh tranh quyết liệt nhưng P&G Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao, khoảng 30 -35%/năm.

“Trước năm 1990, hàng hóa của hợp tác xã chủ yếu xuất sang Đông Âu theo con đường hợp tác. Khi có hộ chiếu sang Đông Âu, tôi đã xin xuất cảnh tiếp sang Mỹ để du lịch, tìm kiếm thị trường. Hàng hóa muốn nhập khẩu hoặc bán qua Mỹ phải qua nhiều khâu kiểm định rất khắt khe. Sản phẩm của hợp tác xã nói cho cùng chỉ là lá buông, bẹ chuối, lục bình do người nghèo làm ra thì làm sao đủ sức để vượt qua các tiêu chuẩn cao xa đó. Tôi lân la vào các khách sạn, văn phòng xin được đặt các sản phẩm là những bộ bàn, ghế, sofa, lọ hoa, khung hình để nơi đây dùng thử. Không ngờ khách rất thích thú, khen ngợi rồi tìm đến hợp tác xã và hàng xuất đi cũng lòng vòng như tôi đã đi, nhưng khác ở chỗ toàn bộ thủ tục nhập vào Mỹ khách hàng lo hết, hợp tác xã chỉ lo sản xuất…”

(Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Ba Nhất)

 

Sau 10 năm đi vào hoạt động (năm 2005), ngoài việc bán sản phẩm trực tiếp tại thị trường nội địa, P&G Việt Nam còn xuất khẩu nhiều sản phẩm sang thị trường các nước như Mỹ, Canada, EU, ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản... Trong 10 năm đầu, hoạt động xuất khẩu của P&G Việt Nam chiếm đến 20% tổng doanh thu của công ty, ước tính khoảng 320 triệu đô la Mỹ. Số lao động trực tiếp tại nhà máy P&G Bình Dương khoảng 950 người. Ngoài ra, công ty cũng tạo việc làm gián tiếp cho khoảng 1.500 lao động thông qua hệ thống phân phối trên khắp cả nước. Trên trang web của P&G Việt Nam vẫn còn lưu lại câu nói của ông Shankar Viswanathan, lãnh đạo Công ty P&G thời điểm đó: “…Chúng tôi nhận thấy sức mua của thị trường Việt Nam không chỉ tập trung ở các thành phố lớn, vùng sâu vùng xa cũng có rất nhiều tiềm năng. Với khẩu hiệu “Vì một cuộc sống tốt đẹp” và cũng là triết lý kinh doanh toàn cầu của P&G, hàng năm P&G Việt Nam dành khoảng 800 triệu đồng chăm lo cho các hoạt động xã hội từ thiện tại Việt Nam”.

Để hiện thực hóa tuyên bố trên, trong 2 năm 2012 và2015, P&G Việt Nam đã chính thức mở rộng thêm hai nhà máy mới cũng tại Bình Dương là nhà máy sản xuất tã giấy trẻ em Pampers Baby Care theo tiêu chuẩn LEED tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (Thành phố mới Bình Dương) và nhà máy sản xuất dao cạo râu Gillette tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An). Ông Emre Olcer, Tổng Giám đốc P&G Việt Nam cho biết, với thành tích 3 năm liền đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất hệ thống P&G toàn cầu, Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên đầu tư của P&G. Đến nay vốn đầu tư của P&G vào Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, đạt trên 200 triệu đô la Mỹ.

Tiềm năng lớn

Đầu tháng 7 này, Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam của tôi - Điểm đến đầu tư của bạn” do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì tại Hoa Kỳ đã nhận được sự quan tâm tìm hiểu của trên 150 đại diện các tập đoàn tài chính tín dụng, doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ. Hội nghị cũng công bố kết quả: Năm 2014 là năm bùng nổ thương mại với tổng giá trị giao dịch giữa hai nước đạt 35 tỷ đô la Mỹ. Đến hết tháng 2-2015, Việt Nam đã thu hút 995 nhà đầu tư Hoa Kỳ với 729 dự án, có tổng vốn đầu tư 11 tỷ đô la Mỹ. Như vậy, đến thời điểm này Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài xếp hàng thứ 7/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại đứng hàng thứ 29 của Hoa kỳ với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 20%. Dự kiến, đến năm 2020 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ đạt 57 tỷ đô la Mỹ, chiếm 34% tổng giá trị xuất khẩu của khối ASEAN sang Hoa Kỳ.

Kết quả trên được các chuyên gia nhận định: Có phát triển tích cực nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Ông Lê Văn Bàng cho hay, thời gian đầu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ gặp nhiều trở ngại như hàng rào kỹ thuật khắt khe, thuế chống bán phá giá… Ngược lại, các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng chưa mặn mà lắm với thủ tục hành chính chậm chạp cùng với chi phí không chính thức tại Việt Nam. Những năm gần đây, với quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư chiến lược của Hoa Kỳ như Intel, City Group, Capital Group…

Là cơ quan trực tiếp tiếp cận doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Khi Việt Nam công bố mở cửa hội nhập có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, nhưng vào bằng cách nào thì còn tùy vào sự tính toán và lợi ích của các nhà đầu tư. Ví dụ thị trường hàng tiêu dùng, nếu vào chậm sẽ bị mất cơ hội nên các tập đoàn trên phải nhanh chân bằng chính tên tuổi, thương hiệu đã nổi tiếng trên thị trường thế giới. Tiếp đến là các mặt hàng cao cấp khác như điện tử, xe hơi…, họ vào để tận dụng lợi thế lao động giá rẻ, lại còn thông qua nước thứ ba để tiếp tục được hưởng ưu đãi về thuế. Bởi vì lợi nhuận từ nước ngoài chuyển về Hoa Kỳ phải chịu thuế rất cao nên các nhà đầu tư thường tìm đến nước thứ ba trong hệ thống đầu tư của tập đoàn.

Nói về quá trình 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, tiềm năng, cơ hội hợp tác vàphát triển, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Ba Nhất (phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên) hóm hỉnh bình luận: “Lục bình Việt Nam do Hợp tác xã Ba Nhất sản xuất đã qua Mỹ sớm hơn cả các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam”.

Kỳ 2: Những đơn hàng vượt đại vương

 

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên