Không chấp hành đèn tín hiệu giao thông: Cần xử phạt nghiêm để hạn chế tai nạn

Cập nhật: 10-03-2021 | 09:35:04

Không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, cụ thể là vượt đèn đỏ là hành vi thường gặp trong xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Đây là một trong những lỗi vi phạm chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Thời gian gần đây, tại các giao lộ, tình trạng người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ vẫn còn xảy ra. Để góp phần kiềm chế hiệu quả TNGT, tình trạng này cần phải được ngăn chặn kịp thời…


Cảnh sát giao thông Công an TP.Thủ Dầu Một phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm quá tốc độ, vượt đèn đỏ trên đường Phạm Ngọc Thạch

Tai nạn gần đây nhất liên quan đến hành vi vượt đèn đỏ xảy ra vào ngày 4-3-2021, tại một giao lộ trên quốc lộ 13 (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát). Vụ tai nạn xảy ra khi một người điều khiển xe máy chạy tốc độ nhanh vượt đèn đỏ, đâm trực diện vào một xe ba gác đang lưu thông trên đường. Hậu quả khiến xe ba gác lật ngang, xe máy bị hư hỏng nặng. Vụ TNGT làm cả 2 tài xế bị thương.

Trước đó, vào sáng ngày 8-11-2020, một vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến việc không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông đã xảy ra trên đường Huỳnh Văn Lũy giao nhau với đường Nguyễn Văn Linh (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một).

Vào thời điểm trên, Trần Hùng Mạnh (16 tuổi, quê Đồng Tháp) điều khiển xe máy không biển số lưu thông trên đường Huỳnh Văn Lũy, hướng từ TP.Thủ Dầu Một đi TX.Tân Uyên. Khi đến ngã tư giao nhau với đường Nguyễn Văn Linh thì xảy ra va chạm với xe máy do anh Danh Na (37 tuổi) điều khiển chở theo chị Thị Thùy Nhiên (41 tuổi). Vụ va chạm mạnh khiến chị Thị Thùy Nhiên tử vong tại hiện trường. Anh Danh Na và Trần Hùng Mạnh bị thương nặng được người dân đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Tuy nhiên do vết thương quá nặng, Trần Hùng Mạnh đã tử vong.

Theo ghi nhận, hiện nay hành vi vượt đèn vàng, đèn đỏ diễn ra khá phổ biển tại nhiều địa phương. Nhiều vụ TNGT đã xảy ra nguyên nhân đến từ người điều khiển phương tiện không tuân theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu. Thực trạng nêu trên tuy là vấn đề không mới nhưng vẫn chưa thể giải quyết tận gốc. Mặc khác, có thể thấy vi phạm về không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu chủ yếu xuất phát từ ý thức kém của người tham gia giao thông, dù biết sai nhưng vẫn cố tình vi phạm. Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy vi phạm về lỗi vượt đèn đỏ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ TNGT. Đây cũng là một trong những hành vi vi phạm bị phát hiện và xử lý rất nhiều trong tuần tra kiểm soát và xử phạt “nguội” qua hình ảnh từ camera.

Thượng tá Nguyễn Văn Nghĩa, Phó trưởng Công an TP.Thủ Dầu Một cho biết công tác bảo đảm TTATGT trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021 đã được lực lượng chuyên ngành lên kế hoạch, thực hiện tốt. Trong giai đoạn sau tết, nhằm nâng cao hiệu quả của việc bảo đảm TTATGT trên địa bàn, lực lượng chức năng TP.Thủ Dầu Một tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, trong đó có hành vi liên quan đến không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…

Song song việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, để hạn chế vi phạm nêu trên, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nhất là người trẻ tuổi nhằm hướng tới xây dựng một nền tảng ý thức tham gia giao thông an toàn.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, kể từ ngày 1-1-2020 các hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông với mức phạt là như nhau.

Cụ thể, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): Phạt tiền từ 600.000 đồng - 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng (điểm e, khoản 4 và điểm b, khoản 10, Điều 6).

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng - 5.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông (điểm a, khoản 5, điểm b, c, khoản 11, Điều 5).

Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 tháng đến 3 tháng; từ 2 đến 4 tháng nếu gây tai nạn (điểm đ, khoản 5; điểm a, b, khoản 10, Điều 7).

 BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=695
Quay lên trên