Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết như thế khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương xung quanh vấn đề, một số chuyên gia nhận định trước tình hình thị trường chứng khoán của Trung Quốc những ngày qua có những biến động khó lường, nhiều nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi nước này và có khả năng sẽ chuyển hướng đầu tư sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng trong thời gian gần đây?
- Nhìn chung Việt Nam có thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây do các nhà đầu tư muốn khai thác cơ hội mà các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã và đang đàm phán mà dự kiến sớm thành hiện thực. Riêng tỉnh Bình Dương luôn có sức hút lớn hơn so với các địa phương khác do cơ sở hạ tầng tốt, gần trung tâm kinh tế TP.Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương rất tích cực hỗ trợ doanh nghiệp.
Tiến sĩ Mai Hữu Tín cho rằng, không có cơ sở để cho rằng sẽ có làn sóng đầu tư mới đổ vào các nước Đông Nam Á. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Sansho Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II). Ảnh: P.AN
- Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán của Trung Quốc có nhiều biến động. Theo ông, liệu sẽ có làn sóng đầu tư mới đổ vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, khi nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc?
- Nên hiểu việc tháo chạy khỏi Trung Quốc mà báo chí nêu gần đây chủ yếu là của các nhà đầu tư tài chính, chứ không phải của cả nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường cực kỳ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư; họ vẫn là trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới. Tôi không có cơ sở để cho rằng sẽ có làn sóng đầu tư mới vào các nước Đông Nam Á. Đồng tiền ngắn hạn chạy khỏi Trung Quốc thì sẽ về lại các nơi an toàn như Mỹ chẳng hạn.
- Đặt trường hợp nếu có làn sóng đầu tư mới đổ vào các nước Đông Nam Á, theo ông Việt Nam cũng như tỉnh Bình Dương sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì?
- Các thách thức với nhà đầu tư nước ngoài và cả doanh nghiệp trong nước vẫn còn nguyên: Thiếu nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng kém dẫn đến chi phí logistics (hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa) rất cao, hệ thống hành chính dưới chuẩn trung bình của ASEAN.
Như trên tôi đã nói không có cơ sở để cho rằng sẽ có làn sóng đầu tư mới vào các nước Đông Nam Á. Vì vậy, đầu tư vào Bình Dương mạnh hơn mức bình thường sẽ chỉ diễn ra khi triển vọng kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở nên rõ ràng hơn.
- Tới đây, việc tăng lương tối thiểu được thực hiện theo lộ trình. Vấn đề này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thưa ông?
- Lương là một vấn đề khác. Nhà đầu tư quyết định mọi việc trên cơ sở lợi ích và chi phí. Lương cao nhưng lợi ích thu được cao do năng suất tăng thì họ vẫn chuộng hơn là lương thấp nhưng năng suất cũng rất thấp như hiện nay. Sức lao động cũng là hàng hóa. Hàng xấu thì ngay cả giá thấp cũng không bán được.
PHƯƠNG AN (thực hiện)