Không để vốn đọng, nợ đọng, thủ tục đọng

Cập nhật: 22-07-2020 | 08:39:19

Tại hội nghị tìm giải pháp thúc đẩy đầu tư công mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công chính là nhiệm vụ then chốt trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tại hội nghị, dẫn nghiên cứu của Tổng cục Thống kê rằng, chỉ cần tăng 1% vốn đầu tư công, thì tăng trưởng GDP sẽ thêm 0,06%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, năm 2020, phải giải ngân hết số vốn đầu tư theo kế hoạch, khoảng 633.000 tỷ đồng (tương đương 28 tỷ USD). Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ không để tình trạng giải ngân đầu tư công trì trệ xảy ra nữa.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 33,9% kế hoạch, đã có cải thiện, tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu. Đáng chú ý, trong khi có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%, còn có tới 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 2 0%.

Về mục đích của hội nghị lần này, Thủ tướng nhấn mạnh, phải giải quyết được 3 chữ “đọng”, là đọng vốn, đọng nợ, đọng thủ tục. Đọng vốn tức là có tiền mà không tiêu được. Đọng nợ là hạng mục thi công xong, đã hoàn thành, nhưng không quyết toán. Đọng thủ tục, thì vẫn là một vấn đề lớn hiện nay. Để giải quyết “đọng thủ tục”, ngay tại hội nghị, sau khi nghe Bộ Xây dựng báo cáo đang sửa đổi Nghị định số 68/2019/ NĐ-CP, Thủ tướng yêu cầu trình ngay để Thủ tướng có thể ký ngay, sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sớm triển khai việc điều chuyển vốn giữa các bộ, ngành, địa phương, thay vì tháng 9 như trước đây, thì thực hiện ngay trong tháng 7, tháng 8. “Ngoài các giải pháp chung, các bộ, ngành, địa phương cần có cả giải pháp riêng để thúc đẩy giải ngân. Phải đeo bám từng dự án, để vướng gì, giải quyết ngay, từng khâu, từng vấn đề”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Thủ tướng đồng ý bắt đầu thực hiện điều chuyển vốn giữa các bộ, ngành, địa phương từ tháng 8. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải có chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. “Phải coi giải ngân vốn đầu tư công là cứu cánh của nền kinh tế hậu dịch bệnh Covid-19. Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ thúc đẩy tăng trưởng, mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng triệu người dân. Phải nhận thức như thế để có quyết tâm chính trị cao hơn trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

K.T (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=225
Quay lên trên