Không hỗ trợ hợp tác xã một cách tràn lan

Cập nhật: 19-06-2012 | 00:00:00

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13, sáng 19-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trưởng thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Hợp tác xã có phải là doanh nghiệp?

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá Luật Hợp tác xã năm 2003 đã có đóng góp đáng kể trong việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần vào việc hoàn thiện quan hệ sản xuất và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên qua quá trình thực hiện Luật cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định.

Đa số các ý kiến của các đại biểu đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã, để làm rõ bản chất tổ chức hợp tác xã và lợi ích của thành viên tham gia hợp tác xã, góp phần hiện thực hóa chủ trương về kết hợp “bốn nhà” trong nông nghiệp; bảo đảm hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác xã phát triển lành mạnh, bền vững đúng với bản chất và mục đích thành lập, tránh lạm dụng hỗ trợ của Nhà nước; thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác xã có hiệu quả, từ đó góp phần định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường ở nước ta.

  Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, HTX chưa thực sự phát triển một phần do chính sách chưa đồng bộ, chưa tạo được động lực

Về định nghĩa hợp tác xã, nhiều ý kiến cho rằng cần khẳng định “hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp” như được quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2003 vì thực chất hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp đặc thù, cần được bảo đảm hoạt động bình đẳng với mọi loại hình doanh nghiệp khác và có quyền kinh doanh một số ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, việc làm rõ hợp tác xã có phải là doanh nghiệp hay không là rất quan trọng, vì các quy định, chính sách tiếp theo mới nhất quán, rõ ràng và phù hợp. Theo đại biểu, cần khẳng định đây là loại hình doanh nghiệp có tính chất đặc thù.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hợp tác xã là một tổ chức kinh tế do thành viên lập ra nhằm mục đích hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, từ đó giúp thành viên cải thiện hoạt động kinh tế, thu nhập, nâng cao mức sống của thành viên; thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã. Hợp tác xã trước hết phải bảo đảm cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thành viên theo nhu cầu của thành viên. Đây chính là nội hàm “hợp tác” của khái niệm “hợp tác xã”.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị có quy định xử lý đối với trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập trước khi Luật này có hiệu lực thi hành mà các thành viên không đáp ứng các điều kiện trở thành thành viên, quyền và nghĩa vụ của thành viên và chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định tại dự thảo Luật.

Không nên hỗ trợ tràn lan

Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, có ý kiến cho rằng ban hành cụ thể các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, áp dụng khoa học công nghệ, tiếp thị và mở rộng thị trường, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Tuy nhiên, cũng đại biểu cho rằng, Nhà nước không nên và không đủ nguồn lực để hỗ trợ toàn diện cho tất cả các hợp tác xã ở mọi lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế quốc dân.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng cần giới hạn Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, đồng thời cũng giới hạn phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn được hưởng chính sách này như hợp tác xã hoạt động ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn khó khăn…

Cũng theo đại biểu này, thực tế cho thấy nhiều hợp tác xã được thành lập trên danh nghĩa để hưởng lợi từ chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước, còn thực chất hoạt động như công ty.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ đối với các hợp tác xã, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (đoàn TP HCM) đề nghị dự thảo luật sửa đổi cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn. Vì thực tế nhiều năm qua hợp tác xã chưa thực sự phát triển có phần do chính sách chưa đồng bộ, thiếu nhất quán và do đó chưa tạo được động lực cho loại hình kinh tế này.

Đại biểu đề nghị cần làm rõ chính sách hỗ trợ vốn, tăng cường năng lực qua đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, theo đại biểu, cần phân công cơ quan chuyên trách về hợpt tác xã, từ đó quản lý, giám sát, hỗ trợ trong từng giai đoạn cho phù hợp với quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về các nội dung: nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; quy định góp vốn của thành viên hợp tác xã; phân phối thu nhập; quy định hợp tác xã được góp vốn, mua cổ phần,…

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=221
Quay lên trên