Khung thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam: Tạo thêm thuận lợi cho các nền kinh tế trong APEC

Cập nhật: 13-10-2018 | 08:46:36

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017 vào cuối năm 2017 đã thông qua hàng loạt văn kiện quan trọng, mang tính dấu ấn của năm APEC 2017. Một trong số đó bắt nguồn từ sáng kiến của Bộ Công thương Việt Nam, đó là Khung Thuận lợi hóa Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới trong APEC. Khung này đã được đánh giá là một nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017.

Đề xuất này của Việt Nam dựa trên cơ sở của quá trình hoạt động của Diễn đàn APEC. Qua đó, các nhà lãnh đạo APEC đã nhận thấy vai trò quan trọng của TMĐT trong việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (DNV, N&SN), thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng.

TMĐT, trọng tâm của chương trình nghị sự của APEC 2017

APEC được thành lập với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhận thấy vai trò ngày càng tăng của TMĐT trong việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, APEC đã đặt TMĐT thành một trong những trọng tâm lớn của Chương trình nghị sự năm 2017.

Tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017 vào cuối năm 2017, Việt Nam đã đề xuất Khung Thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới tập trung nhằm hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý TMĐT của các nền kinh tế trong APEC; tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các DNV, N&SN tham gia vào thị trường TMĐT xuyên biên giới trong khu vực và trên toàn thế giới.

Theo Bộ Công thương, TMĐT xuyên biên giới hiện được coi là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thương mại thế giới. Từ xuất phát điểm gần như bằng 0 ở thời điểm hai thập niên trước, đến cuối năm 2016, TMĐT xuyên biên giới (bao gồm giao dịch DN-DN (B2B) và bán lẻ (B2C) ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới, doanh thu TMĐT (B2C) xuyên biên giới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 đạt 144 tỷ USD, chiếm khoảng 35,9% doanh thu TMĐT xuyên biên giới B2C toàn cầu. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 467 tỷ USD và 47,9% vào năm 2020.

Với đà phát triển TMĐT, Khung Thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới là công cụ hiệu quả giúp cho các DNV, N&SN trong APEC tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.

Việc ra đời của Khung Thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, như một thành quả của năm APEC 2017, cũng như sự xuất hiện của nhiều DN TMĐT hàng đầu thế giới (Alibaba, Facebook…) tại Việt Nam, đã cho thấy tầm quan trọng của TMĐT cả từ góc nhìn chính sách, cũng như kinh doanh trong bài toán hội nhập hiện nay.

Việt Nam đang ở đâu trong khu vực?

Qua những con số phát triển TMĐT, TMĐT xuyên biên giới hiện được coi là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thương mại thế giới. Trong suốt những năm qua, Bộ Công thương Việt Nam đã tập trung, kiên trì xây dựng hành lang pháp lý, ban hành các cơ chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng TMĐT ở Việt Nam.

Qua thống kê cho thấy thị trường TMĐT Việt Nam luôn tăng trưởng ở tốc độ cao (25 -35%/năm), mức độ phổ cập TMĐT trong cộng đồng và DN đã ngang tầm, thậm chí vượt một số nước trong khu vực.

Cùng với tốc độ phát triển của công nghệ và hạ tầng viễn thông, internet, hoạt động kinh doanh và mua sắm trên môi trường mạng đang trở thành một phần tất yếu của đời sống xã hội.

Theo kết quả khảo sát về tình hình phát triển TMĐT do Bộ Công thương thực hiện, doanh số TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 5 tỷ USD và dự đoán sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, đạt 10 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán tiếp tục phát triển mạnh trong giai đoạn 2016- 2020 dựa trên nền tảng pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và mức độ hiểu biết của người tiêu dùng ngày một hoàn thiện.

Với lợi thế dân số trẻ, ước tính 30% dân số Việt Nam sẽ tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2020, giá trị mua hàng đạt mức trung bình 350 đô la Mỹ. Bên cạnh đó, TMĐT xuyên biên giới phát triển nhanh, phục vụ thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu. Giao dịch TMĐT B2B dự đoán tác động tới 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó một nhóm giải pháp quan trọng cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới là phát triển các hệ thống hạ tầng thiết yếu cho TMĐT, bao gồm hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistis, hệ thống chứng thực cho giao dịch điện tử… hướng tới thiết lập một nền tảng hạ tầng đồng bộ, linh hoạt, hỗ trợ tối ưu nhất cho DN tham gia TMĐT.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang chú trọng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của DN, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất, kinh doanh mới thông qua nhiều văn bản pháp luật…

Cùng với sự đồng hành của Nhà nước, đại diện Bộ Công thương khuyến nghị DN cần phát huy vai trò chủ động “Với nỗ lực đó của Chính phủ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng TMĐT và kinh doanh số, bản thân DN cũng cần chủ động nắm bắt các cơ hội và xu hướng phát triển TMĐT trên thế giới, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá, sáng tạo và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước”.

Khuôn khổ Thuận lợi hóa TMĐT trong APEC là một trong những điểm nhấn của năm APEC 2017 và được kỳ vọng góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; trở thành nguồn động lực cho sự phát triển kinh tế khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

Khung Thuận lợi hóa TMĐT thêm sức cho DNN đến SN

Theo Bộ Công thương, Khuôn khổ Thuận lợi hóa TMĐT trong APEC là một trong những điểm nhấn của năm APEC 2017 và được kỳ vọng góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; trở thành nguồn động lực cho sự phát triển kinh tế khu vực, đặc biệt là khối DNV, N&SN.

Cũng theo Bộ Công thương, Khuôn khổ Thuận lợi hóa TMĐT trong APEC tập trung vào 5 trụ cột làm việc như sau: Hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý TMĐT của các nền kinh tế trong APEC; tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các DNV, N&SN tham gia vào thị trường TMĐT xuyên biên giới trong khu vực và trên toàn thế giới; thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới thông qua việc thực hiện các chương trình đang triển khai của APEC; thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực; giải quyết những vấn đề mới trong TMĐT xuyên biên giới. Qua đó, cho thấy vai trò quan trọng của TMĐT đối với nền kinh tế, cũng như vai trò Việt Nam trên trường quốc tế.

Rõ ràng, sáng kiến về Khung Thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam trong APEC đã được đánh giá là một nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017. Đặc biệt, riêng đối với Việt Nam, APEC 2017 được đánh giá là năm APEC có vai trò then chốt hướng tới kỷ niệm 20 năm gia nhập APEC của Việt Nam. Đặc biệt, Khung Thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới trong APEC do Việt Nam đề xuất đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nền kinh tế APEC, là một trong những điểm nhấn của năm APEC 2017 và được kỳ vọng góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; trở thành nguồn động lực cho phát triển kinh tế khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng

TTXT

Chia sẻ bài viết
Tags
Việt Nam

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=433
Quay lên trên