Hơn 10 năm trở lại đây, nhà ở trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ và đa dạng với nhiều loại hình như nhà phố liên kế, biệt thự, nhà ở xã hội, nhà trọ cho công nhân lao động, chung cư trung và cao tầng... Đồng thời, các khu đô thị mới bắt đầu hình thành và nhanh chóng trở thành một động lực phát triển, tạo điểm nhấn khang trang, hiện đại cho đô thị.
Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển nhà ở, đáp ứng nhu cầu cho người dân. Trong ảnh: Khu nhà ở đô thị Becamex, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội
Trong hơn 20 năm qua, Bình Dương đã có những bước phát triển kinh tế ấn tượng gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Đi cùng với đó là quá trình thay đổi diện mạo của tỉnh, với xu hướng trở thành một địa phương phát triển cạnh tranh và đáng sống. Phát triển đô thị gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là động lực thu hút tập trung dân cư, tăng cường nhân lực, làm gia tăng nhu cầu nhà ở trong thời gian vừa qua. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhà ở trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ và đa dạng với nhiều loại hình như nhà phố liên kế, biệt thự, nhà ở xã hội, nhà trọ cho công nhân lao động, chung cư trung và cao tầng... Đồng thời, các khu đô thị mới bắt đầu hình thành và nhanh chóng trở thành một động lực phát triển, tạo điểm nhấn khang trang, hiện đại.
Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh cơ bản đã đạt được một số chỉ tiêu đề ra. Việc phát triển nhà ở với nhiều loại hình như nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà trọ công nhân, nhà dân tự xây, về cơ bản đã từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở của tỉnh. Năm 2015, diện tích nhà ở của tỉnh đạt 46,45 triệu m2 sàn (trong đó diện tích nhà ở khu vực thành thị đạt khoảng 37,452 triệu m2 sàn, khu vực nông thôn đạt 8,997 triệu m2 sàn). Tính đến thời điểm tháng 12-2019, diện tích sàn xây dựng nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 70,78 triệu m2 sàn, có 831.505 căn nhà.
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết phát triển nhà ở có vai trò quan trọng trong sự phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, qua đó tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Do đó, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở bình quân đầu người vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua từng nhiệm kỳ 5 năm. Đồng thời, việc phát triển nhà ở đã được định hướng trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Nhu cầu nhà ở tăng cao
Trong giai đoạn từ 2009 đến 2019, Bình Dương với tốc độ tăng dân số bình quân khoảng 5%/năm. Theo kết quả tổng điều tra dân số tỉnh Bình Dương năm 2019, tính đến ngày 1-4- 2019 dân số trung bình toàn tỉnh khoảng 2,456 triệu người, mật độ dân số 901 người/km2. Với tốc độ gia tăng dân số hiện nay, ước tính đến năm 2020, dân số trung bình toàn tỉnh khoảng 2,55 triệu người và đến năm 2030 khoảng 3,5 triệu người.
Ông Võ Hoàng Ngân cho biết tỷ trọng dân số đô thị của tỉnh sẽ có xu hướng tiếp tục tăng năm 2020 và năm 2030, khi nhiều địa phương được nâng cấp lên thành phố, thị xã và phường. Về quy mô hộ gia đình, tại thời điểm 2019, trung bình nhân khẩu tại Bình Dương là 3,2 người/ hộ. Theo dự báo, chỉ tiêu này sẽ giảm nhẹ, về mức 3,1 người/hộ vào năm 2025 và 3 người/hộ vào năm 2030. Việc giảm quy mô nhân khẩu trong hộ gia đình sẽ kéo theo việc tăng nhu cầu nhà ở xây mới trong tương lai”.
Cùng với việc tăng trưởng dân số nhanh, những năm qua tỷ lệ đô thị hóa tại Bình Dương cũng tăng với tốc độ tương đối nhanh. Năm 2014, tỷ lệ đô thị hóa là 76,8%. Trong 4 năm trở lại đây, tỷ lệ đô thị hóa được duy trì ở mức ổn định, xấp xỉ 77% tới 78%. Tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương năm 2019 đạt 80,17%, dự kiến năm 2020 sẽ đạt 82% và dự báo đến năm 2030 đạt trên 85%.
Phấn đấu đạt chỉ tiêu sàn nhà ở
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết tăng trưởng dân số cùng với mật độ cư dân liên tục tăng đã gây một áp lực không nhỏ cho chính quyền địa phương trong việc duy trì chất lượng cuộc sống cũng như bảo đảm diện tích nhà ở cho người dân. Xuất phát từ thực tiễn, việc điều chỉnh tỷ lệ phát triển các loại hình nhà ở trong Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, đặc biệt điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2020 là cần thiết, để bảo đảm phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân của tỉnh trong năm 2020 đã đề ra, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư. Do đó, vừa qua UBND tỉnh đã thông qua đề xuất điều chỉnh một số nội dung của Kế hoạch theo Quyết định số 3295/QĐ- UBND ngày 30-11-2016.
Trong giai đoạn 2016-2020, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 30,0m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu 8,2m2/ người), trong đó khu vực đô thị 31,5m2/người, khu vực nông thôn 24,5m2/người. Nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn tỉnh trên 50%; đồng thời giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố xuống dưới 0,7%. Tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội nhằm phục vụ cho nhu cầu nhà ở người thu nhập thấp tại đô thị, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, nhà xã hội khác và nhà ở tái định cư tại khu vực đô thị có bố trí nhà ở xã hội.
Bình Dương cần đầu tư xây dựng mới khoảng 2 triệu m2 sàn. Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ tổ chức triển khai thực hiện phát triển nhà ở công vụ, nhà ở cho người có công với cách mạng theo đề án đã được phê duyệt; tập trung bố trí nguồn vốn triển khai hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các khu nhà ở tái định cư để bố trí đất ở cho người dân xây dựng nhà ở. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục phát triển nhà ở thương mại; thực hiện quản lý quỹ đất ở 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới để xây dựng nhà ở xã hội; tăng tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt 20%; tỷ lệ nhà cho thuê bằng 10% so với tổng diện tích nhà ở tăng thêm tại khu vực đô thị. Quỹ đất ở tại khu vực đô thị và nông thôn tăng thêm khoảng 1.700 ha.
PHƯƠNG LÊ