Kiểm soát dịch bệnh trong trường mầm non

Cập nhật: 01-04-2022 | 08:44:25

 Cùng với các cấp học khác, trẻ mầm non (MN) đã trở lại trường học. Hiện tại, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát. Tuy nhiên, các trường MN đã vẫn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tổ chức hoạt động trực tiếp cho trẻ tại trường.

 Trẻ MN được chăm sóc, giáo dục bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19

 Kiểm tra, kiểm soát thường xuyên

Cô Lê Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng trường MN Hoa Mai (TP.Thủ Dầu Một) nhìn nhận, trẻ trong độ tuổi MN sức đề kháng còn yếu, cũng như chưa có khả năng tự phòng bệnh, rất cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ sức khỏe của người lớn. Xác định được tầm quan trọng, nhu cầu cần được bảo vệ của trẻ, tập thể trường MN Hoa Mai chú trọng tổ chức thực hiện, kiểm tra, kiểm soát công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 thường xuyên khi tổ chức hoạt động trực tiếp trở lại sau thời gian nghỉ phòng, chống dịch.

Khi hoạt động trực tiếp trở lại, trường có 477 trẻ đến lớp. Đón trẻ quay trở lại trường sau thời gian nghỉ phòng dịch, nhà trường xây dựng phương án xử lý, kịch bản ứng phó và diễn tập khi có trường hợp nghi nhiễm và phương án xử lý khi có trường hợp F0 tại trường. Trước khi trẻ đến trường, trường rà soát lại điều kiện cơ sở vật chất; trang bị đầy đủ các dụng cụ y tế như máy đo thân nhiệt, xà phòng rửa tay, giấy lau tay, thùng rác có nắp, đồ bảo hộ, khẩu trang y tế, máy đo SpO2, kit test…

Các bé trở lại trường phải bảo đảm an toàn, thế nên trường thực hiện tổng vệ sinh trường lớp, kiểm tra hoàn thiện môi trường trong và ngoài nhóm, lớp. Trường phối hợp với Trạm Y tế phường khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường, bàn ghế, thiết bị dạy học, dụng cụ học tập, đồ chơi cho trẻ… Bên cạnh đó, nhà trường cũng quan tâm, bảo đảm chế độ ăn, dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, tăng cường vận động, nhất là các hoạt động ngoài trời; tổ chức các hoạt động giáo dục, lồng ghép dạy trẻ trong công tác phòng dịch phù hợp với độ tuổi. Nhà trường cũng chú trọng tuyên truyền đến cha mẹ trẻ về các hoạt động hàng ngày của trẻ qua nhóm Zalo, qua trao đổi trực tiếp vào giờ đón, trả trẻ.

Kịp thời xử lý khi có trường hợp F0, khi giáo viên, y tế trường phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19 sẽ báo tổ trưởng Tổ an toàn Covid của trường; đồng thời linh hoạt tùy tình huống xử trí kịp thời khi trẻ có dấu hiệu nhiễm bệnh, thực hiện nghiêm túc quy định, không để dịch bệnh lây lan trong nhà trường, nắm bắt thông tin và phối hợp, hỗ trợ kịp thời cha mẹ trẻ.

Phối hợp phòng, chống dịch bệnh

Tương tự, trường MN Hoa Cúc 7 (TP.Thuận An) cũng có các giải pháp tham mưu, phối hợp chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể, cha mẹ trẻ… xây dựng kế hoạch, phương án xử lý kịch bản ứng phó trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức hoạt động trực tiếp. Theo cô Lê Thị Hồng Phương, Hiệu trưởng trường MN Hoa Cúc 7, nhà trường tham mưu với chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn các kiến thức về dịch bệnh Covid-19 cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên với các hình thức đa dạng, phong phú; xây dựng phương án phòng chống dịch, phương án xử lý tình huống, kịch bản ứng phó khi phát hiện dấu hiệu lây nhiễm. Từ khi trẻ trở lại trường, nhà trường phối hợp với đoàn thể, ban đại diện cha mẹ trẻ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên, cha mẹ trẻ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, nguyên nhân gây bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thông qua các các mạng xã hội như Zalo, Facebook, website của trường...

Trường cũng phối hợp chặt chẽ với Trạm Y tế địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xử trí kịp thời những tình huống phát sinh F0, F1 trong trường học. Theo đó, trường phối hợp với UBND phường Bình Hòa xây dựng phương án xử lý, kịch bản ứng phó trong công tác phòng, chống dịch khi tổ chức cho trẻ đến trường; test sàng lọc và tập huấn về công tác phòng chống dịch cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; hướng dẫn cách sử dụng dung dịch khử khuẩn Cloramin B; tuyên truyền kịp thời về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới…

Đối với cha mẹ trẻ, trường thành lập Zalo mỗi nhóm, lớp để phối kết hợp trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, giáo viên các lớp tìm hiểu về những hoạt động của trẻ tại nhà đồng thời trao đổi, tư vấn về những hoạt động ở trường để có sự đồng nhất trong chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Cũng qua kết nối chặt chẽ với phụ huynh, trường lưu ý cha mẹ trẻ theo dõi sức khỏe trẻ thường xuyên, không cho trẻ đến trường khi trẻ có dấu hiệu ho, sốt hoặc đang cách ly y tế tại nhà; thông tin kịp thời đến giáo viên, nhà trường các vấn đề bất thường về sức khỏe trẻ, đặc biệt có liên quan đến Covid-19. Ngoài ra, trường cũng xây dựng các video clip về chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ để cha mẹ trẻ tham khảo.

Để tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn,cha mẹ cần bảo đảm bé có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và lối sống lành mạnh, cụ thể:

- Cho trẻ uống đủ nước.

- Bổ sung các thực phẩm giàu protein: Trứng, thịt, cá...

- Tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc…

- Bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E

Cha mẹ cũng cần tập cho bé một lối sống lành mạnh: - Bảo đảm cho bé ngủ đủ giấc, đúng giờ; rèn luyện cơ thể thường xuyên; tắm nắng để hấp thụ vitamin D...

 HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=553
Quay lên trên
X