Hầu hết người tiêu dùng đều ủng hộ chủ trương này, bởi nếu được thực hiện đúng sẽ đảm bảo an toàn về thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng trong thực tế sẽ không hề đơn giản...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 33 quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm tươi sống từ động vật, có hiệu lực từ ngày 3/9. Trong đó, đáng chú ý là quy định: thịt sống chỉ được bán trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ nếu bảo quản ở nhiệt độ thường, đang nhận được nhiều ý kiến của dư luận.
Theo các tiểu thương kinh doanh tại khu vực bán hàng tươi sống ở chợ Tân Định –quận 1 thành phố Hồ Chí Minh thì khoảng thời gian từ 10h trở đi mới đông khách. Vì thế theo quy định của Thông tư 33, chỉ cho phép bán thịt động vật 8 tiếng sau khi giết mổ thì người bán sẽ gặp không ít khó khăn bởi thông thường các cơ sở giết mổ thường hoạt động từ 2-3 giờ sáng, tiểu thương nhập thịt từ chợ đầu mối Hóc Môn về tới chợ bán lẻ mất thêm từ 2-3 giờ vận chuyển. Sau đó còn phải lọc, sơ chế tính ra chỉ còn khoảng 5 tiếng để bán. Như vậy sẽ không thể nào bán hết được số thịt tại sạp mà phải bán qua trưa sang chiều, nếu không bán được mới đem về bỏ tủ đông.
Chị Nguyễn Thị Mai Hương, tiểu thương ở chợ Tân Định, quận 1 cho rằng, quy định này sẽ gây khó khăn cho người bán thịt. Nếu thịt được mổ từ 12 hoặc 1 giờ sáng, bán trong vòng 8 tiếng thì khoảng 9 giờ là phải ngưng bán. Bình thường vào giờ này, khách mới đi mua nên rất khó khăn cho người bán. “Theo tôi nên quy định ít nhất là 10 hay 12 tiếng” – Chị Hương nói.
Trái với những bức xúc của các tiểu thương, hầu hết người tiêu dùng đều ủng hộ chủ trương này của Bộ Nông nghiệp, bởi nếu được thực hiện đúng sẽ đảm bảo an toàn về thực phẩm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong điều kiện thực tế như hiện nay thì việc áp dụng Thông tư này không đơn giản. Vì với nhiều người mua, để phân biệt đâu là thịt tươi, thịt “quá đát” đã khó, nói gì tới chuyện phân biệt thịt đã quá thời hạn 8 giờ hay chưa?
Đặc biệt, với một thị trường có nhu cầu tiêu thiụ lớn như thành phố Hồ Chí Minh thì công tác kiểm soát theo tiêu chí “thịt bán trong vòng 8 tiếng” là điều không dễ dàng bởi thịt được đưa về thành phố từ nhiều nguồn, nhiều nơi và được bày bán trong từng ngõ ngách.
Chị Nguyễn Thị Mai, ở quận 1 cho rằng, việc thực hiện quy định này sẽ khó khăn vì thị trường rộng mà thịt thì được mổ khắp nơi. Vì thế nên quản lý theo từng địa bàn thì mới hiệu quả. Điều quan trọng là người bán thịt lợn, phải có lương tâm để bán sản phẩm sạch.
Cho đến thời điểm này, Thông tư 33 cũng chỉ là văn bản được “nghe qua” chứ chưa được hướng dẫn thực hiện cụ thể tại các chợ đầu mối và chợ nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Việc ban hành Thông tư này là phù hợp trong tình hình chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đang ở mức báo động như hiện nay.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ triển khai thế nào, kiểm soát ra sao và đặc biệt là xử lý những vi phạm thế nào theo quy định của Thông tư 33 mới là điều cần quan tâm.
Ông Đào Sĩ Long, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Tân Định, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thông tư 33 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên về góc độ quản lý, chúng tôi băn khoăn là quy định về thời gian như vậy sẽ khó khăn cho tiểu thương. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân về chủ trương này. Để thực hiện Thông tư này tốt hơn, tôi cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng như Thú y và Quản lý thị trường”.
Thông tư 33 chính thức có hiệu lực từ ngày 3-9-2012. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang lắng nghe và sẽ chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế. Thiết nghĩ, đây cũng là vấn đề được dư luận quan tâm khi công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đang là nỗi lo của người tiêu dùng hiện nay.
Theo VOV