Doanh nhân Mai Hữu Tín: Kết hợp hài hòa giá trị vật chất và văn hóa để phát triển bền vững

Cập nhật: 31-12-2021 | 06:40:40

Trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 25 năm Bình Dương xây dựng và phát triển, chúng tôi may mắn được trò chuyện với doanh nhân Mai Hữu Tín, một nhà kinh doanh gắn bó lâu năm cùng sự đi lên của tỉnh nhà. Sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên vùng đất này, doanh nhân Mai Hữu Tín luôn trăn trở về vấn đề “kết hợp hài hòa giữa giá trị vật chất và giá trị văn hóa để Bình Dương phát triển bền vững”.

 Khơi nguồn “sức mạnh nội sinh”

Từng là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa IV, hai lần được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 12, khóa 13, hiện là thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ, là Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp (DN) Bình Dương, là lãnh đạo, giữ vị trí chủ chốt của rất nhiều DN tên tuổi25 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của vị doanh nhân này, những tháng năm đầu tiên gian khó không thể nào quên. 1/4 thế kỷ dài hay ngắn không chỉ thuần túy là số đếm tịnh tiến của thời gian, mà đó còn là một chặng đường vừa đủ để nhìn lại những cột mốc, những dấu ấn đã qua…

Ông Tín nhớ lại: “Tỉnh Bình Dương tái lập vào năm 1997 thì năm 1998 tôi thành lập Công ty U&I, công ty mẹ của hơn 60 công ty con và công ty liên kết bây giờ, với hơn 20.000 người lao động. Có thể nói, cá nhân tôi và nhóm công ty mà tôi đại diện, gọi chung là Unigroup, là sản phẩm của chặng đường ¼ thế kỷ vừa qua của Bình Dương, trên nền tảng những nỗ lực trước đó của lãnh đạo và người dân Sông Bé ngày xưa” .

Ông Tín cho biết công việc chính thức đầu tiên trong đời của ông là làm phiên dịch tiếng Anh cho Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Sông Bé (Sobexim) vào năm 1988, khi 19 tuổi. Cơ duyên được tiếp xúc với các lãnh đạo cao nhất của tỉnh khi vẫn còn ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới đó vô tình đã tạo trong ông một ý thức trách nhiệm rất lớn về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Theo lời ông Tín, ông thường xuyên được nghe lãnh đạo tỉnh ở các thời kỳ trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, với vô vàn những trăn trở để tìm mọi cách phát triển tỉnh nhà, cải thiện đời sống của người dân.

“Tôi vẫn nhớ như in những chuyến đi ra nước ngoài tham quan và học tập với các lãnh đạo tỉnh vào những năm khó khăn đó. Tôi nhớ chú Út Phương (ông Hồ Minh Phương, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) đã thức nói chuyện gần như suốt đêm sau khi tham quan các khu công nghiệp to đẹp, với cơ sở hạ tầng đồng bộ của Thái Lan. Với tất cả chúng tôi ở thời điểm đó, các khu công nghiệp này là những giấc mơ to lớn tạo khát vọng vô cùng mạnh mẽ để phấn đấu làm theo. Tinh thần đổi mới, cầu thị, sẵn sàng học hỏi của lãnh đạo tỉnh liên tục lan tỏa xuống cán bộ cấp dưới và tác động trực tiếp đến tôi. Thôi thúc tôi phải cố gắng học hỏi, hoàn thiện mình hàng ngày để có thể góp phần mình vào sự nghiệp chung của tỉnh”, ông Tín tâm sự.

 Sự năng động, cầu thị, phát huy nội lực, huy động ngoại lực đã giúp Bình Dương trở thành miền đất tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt bản doanh phát triển. Trong ảnh: Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Hà Lan năm 2021 vừa được Bình Dương tổ chức

Ông Tín cho biết nhắc lại như vậy để thấy, những gì có được hôm nay thật đáng quý, cũng để thấy được những thành quả mà Bình Dương đạt được ngày nay thật đáng trân trọng biết bao. Nhìn vào vị thế của Bình Dương ngày hôm nay, ai cũng thấy Bình Dương đã có vai trò hoàn toàn khác trong nền kinh tế quốc gia. Bình Dương đã trở thành một thế lực kinh tế thật sự, là một tiếng nói có trọng lượng trong mọi tổ chức, mọi diễn đàn lớn. Rất nhiều DN lớn của Bình Dương có cơ sở ở nhiều tỉnh, thành trong nước và cả ở nước ngoài. “Cũng như mọi người Bình Dương khác, tôi vô cùng tự hào khi nhắc đến Becamex IDC, VSIP, Minh Long… Các DN của Bình Dương đi đến đâu đều có đóng góp, đều được tôn trọng, đều có ý thức giữ gìn lời hứa của mình. Đây là một thành tựu chúng ta cần gìn giữ và mở rộng hơn”, ông Tín nhấn mạnh.

Vùng đất an bình và phát triển

Đất đã chuyển mình. Dưới bàn tay kiến tạo và thực thi của chính quyền, nhân dân cùng DN trên địa bàn… đã giúp Bình Dương trở thành vùng đất tươi đẹp, phát triển năng động và hiện đại, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, dư địa phát triển ngày càng rộng mở, tạo nền tảng vững chắc hơn cho thế hệ tương lai. Năm 1997, Bình Dương có 679.000 dân, sau ¼ thế kỷ tăng được thêm khoảng 2 triệu người, chiếm 2,7% dân số Việt Nam. Lượng người ngoài tỉnh mới đến đã chiếm hơn 50% dân số Bình Dương.

“Làm thế nào để trong một tương lai thật gần, bất kỳ ai, đến từ đâu, khi tiếp xúc với người Bình Dương đều cảm thấy ấm áp, yêu mến, và sẵn sàng hợp tác?” là điều mà doanh nhân Mai Hữu Tín luôn trăn trở. Theo lời ông Tín, nói cho công bằng thì tất cả đều là người ngoài tỉnh vào vùng đất này, chỉ sớm hay muộn thôi. Dù nguồn gốc là từ đâu thì bây giờ gần 2,7 triệu con người này là như nhau, có cùng cơ hội sinh sống cũng như có cùng trách nhiệm với tên gọi Bình Dương. Có thể dùng các mỹ từ như trải thảm đỏ đón nhà đầu tư, dọn tổ đón đại bàng… nhưng sau tất cả những cái đó là số phận của hàng triệu lao động đến từ mọi vùng miền của đất nước. Đất đai, vốn… đều quan trọng nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người.

“Văn hóa là những gì còn lại…”

Dẫn câu nói của Edouard Herriot - danh nhân Pháp, ông Mai Hữu Tín cho rằng tầm vóc của một đô thị không chỉ là sức mạnh kinh tế, đó còn là tầm của văn hóa, tri thức, mỹ thuật, môi trường… của từng con người cụ thể sống trong đó. Công dân văn minh trong một đô thị văn minh tôn trọng pháp luật, tôn trọng lẽ phải và tôn trọng sự riêng tư của các công dân khác.

“Tôi luôn mong được nhìn thấy tỉnh nhà không chỉ là vùng đất tươi đẹp, phát triển năng động và hiện đại, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, mà ở đó còn có sự kết hợp hài hòa giữa giá trị vật chất và giá trị văn hóa để Bình Dương phát triển bền vững. Cách đây 5 năm tôi đã từng đề nghị với lãnh đạo tỉnh tạo giải thưởng Người Bình Dương tiêu biểu hàng năm trao tặng cho những tổ chức và cá nhân giúp lan tỏa lối sống đẹp và văn hóa. Tôi vẫn giữ ý định đó và xin sẵn sàng làm nhà tài trợ giải thưởng này”, ông Tín nói.

Đề xuất những giải pháp để Bình Dương phát triển bền vững, doanh nhân Mai Hữu Tín, chia sẻ Bình Dương đặt tầm nhìn đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Một tầm nhìn tốt là một tầm nhìn tạo động lực, tạo khát khao phấn đấu, và đương nhiên là có khả năng thành hiện thực. Nếu được phép diễn dịch tầm nhìn là đô thị thông minh nào năm 2045 của Bình Dương, tôi mong đô thị Bình Dương đó giữ vững vị trí nằm trong tốp 5 về sự thịnh vượng (đo bằng GDP trên đầu người) và cả về văn hóa (đo qua khảo sát về mức độ hạnh phúc của người dân). Tôi mong lãnh đạo tỉnh đương nhiệm sẽ xác định những mục tiêu cụ thể dài hạn này ngoài các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ và đưa chúng thành kim chỉ nam, thành mệnh lệnh hành động đối với toàn bộ cán bộ, viên chức, nhân dân và doanh nhân trong tỉnh. Khi những mệnh lệnh đó xuất phát từ sự yêu thương và tinh thần trách nhiệm đối với tỉnh nhà, thì mỗi chúng ta mới có thêm sức rướn để hoàn thành, bởi không có mệnh lệnh nào lớn hơn mệnh lệnh từ trái tim.

 “Làm sao để chúng ta thu hút được nhiều người hơn, bao gồm những người tài, đến và ở lại, có điều kiện an cư, và tạo ra những thế hệ người lao động mới có nhiều kỹ năng và kiến thức hơn mới là mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới. Tôi tin, ở mảnh đất này, cứ sống, rồi người ta sẽ gắn bó, sẽ mến yêu, sẽ học được cách trân trọng mảnh đất ấy. Rồi bằng cách này hay cách khác, người ta sẽ gìn giữ và phát huy nó, như một dòng chảy tự nhiên. Với sự đoàn kết, trí tuệ tập thể của con người, Bình Dương sẽ thoát thân từ ý nghĩa trong tên gọi là một chỗ bằng phẳng theo nghĩa gốc trở thành nơi của sự an bình và phát triển”, ông Tín trải lòng.

NGỌC THANH (ghi theo lời kể của doanh nhân Mai Hữu Tín)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1705
Quay lên trên