“Sông Bé trước đây có diện tích trên 1 triệu ha, đất rộng, người thưa, đất đai nhiều vậy mà không làm ra của cải vật chất, lương thực thiếu thốn, công nghiệp chưa có gì… Trước tình hình đó, tỉnh rất trăn trở, nghĩ rằng phải phát triển công nghiệp. Vì vậy, tỉnh chủ trương mời nhà đầu tư đến để cùng hợp tác, nâng caov ai trò, giá trị của vùng đất này…”. Đây là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước với P.V Báo Bình Dương khi nói về chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, mở ra con đường phát triển cho Sông Bé, rồi Bình Dương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đồng chí Nguyễn Minh Triết: “Chiếu hoa với ý nghĩa là đẹp, là rất trân trọng. Hồi xưa, khách đến nhà mình trải chiếu hoa ra là lịch sự lắm, nhà nghèo mà. Tinh thần mộc mạc vậy thôi, sâu xa là muốn mời gọi DN mang vốn liếng, tài lực về đây, kết hợp với tỉnh để làm ra của cải, vật chất cho xã hội…”
Thưa đồng chí, xuất phát từ đâu mà chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” ra đời? Đó có phải là từ nỗi niềm đau đáu và trăn trở đối với vùng đất này không?
- Đúng vậy. Sông Bé trước đây có diện tích trên 1 triệu ha, đất rộng, người thưa, đất đai nhiều vậy mà không làm ra của cải vật chất, lương thực thiếu thốn, công nghiệp chưa có gì… Trước tình hình đó, chúng tôi suy nghĩ, đất nước trải qua bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá, sau giải phóng còn bị bao vây, cấm vận, rồi chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc… đã vắt kiệt sức người, sức của, tài nguyên vật lực. Chúng ta có đất đai màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên, sức người nhưng còn thiếu một số mặt để phát triển. Tỉnh đã bàn bạc và đề ra chủ trương muốn đi lên thì phải huy động được sức người, sức của, tài nguyên, vật lực, vốn liếng trong và ngoài nước, khoa học kỹ thuật tiến bộ. Thống nhất tinh thần đó, chúng tôi đề ra chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”. Bởi mình không có vốn, không có khoa học kỹ thuật, sản phẩm cũng không có đầu ra, cần phải có sự kết hợp với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để nâng cao vai trò, giá trị của vùng đất này. Chiếu hoa với ý nghĩa là đẹp, là rất trân trọng. Hồi xưa, khách đến nhà mình trải chiếu hoa ra là lịch sự lắm, nhà nghèo mà. Tinh thần mộc mạc vậy thôi, sâu xa là muốn mời gọi doanh nghiệp (DN) mang vốn liếng, tài lực về đây, kết hợp với tỉnh để làm ra của cải, vật chất cho xã hội.
‘‘ Chúng ta tự hào một điều rằng, Bình Dương không lấy tiêu chí hộ nghèo chung của cả nước, mà lấy theo tiêu chí của Liên hợp quốc. Thời đó, tôi vận động làm theo hướng này, lấy mức 2 USD/ngày, tính ra 1 tháng khoảng 1,5 - 1,6 triệu đồng. Bình Dương hôm nay, xuất phát từ việc phấn đấu theo tiêu chí đó mà giờ chỉ còn 1 - 2% hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh, không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Tôi mong rằng, điều này tiếp tục được tỉnh tập trung thực hiện tốt hơn nữa để không còn hộ nghèo. Đ ó cũng là cách mà chúng ta đền ơn, đáp nghĩa tốt nhất đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Cái giá của độc lập, tự do là rất đắt, chúng ta phải ra sức giữ gìn, tôn trọng nó như là một báu vật thiêng liêng của cha ông để lại…”. (Đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước) |
Sau đó, tỉnh tiến hành thành lập một số khu công nghiệp (KCN). Lúc này, cả nước gần như chưa có KCN, chỉ TP.Hồ Chí Minh có Khu chế xuất Tân Thuận. Chúng tôi bàn và xin ý kiến Trung ương, lập ra KCN và khái niệm về KCN được hình thành rồi phát triển cho đến bây giờ. Song song với đó, phải đi trước một bước, đó là phát triển hệ thống giao thông, muốn đất nước, địa phương phát triển, phải có giao thông. Hồi đó, tỉnh chỉ có 1 trục Quốc lộ 13 là đường nhựa, còn lại là đường cấp phối. Từ đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển giao thông, thu phí giao thông cũng được làm sớm nhất để huy động nguồn lực của nhà đầu tư…
- Khi bắt tay vào thực hiện chủ trương này, tỉnh đã gặp phải những khó khăn gì, tinh thần tiên phong để vượt qua khó khăn như thế nào, thưa đồng chí?
- Nói chung, hồi đó khó khăn vô vàn, tính chiều nào cũng thấy khó, tiền không có, đi lại giao thông, liên lạc cũng khó, khoa học kỹ thuật… nhiều thứ yếu kém. Nhưng chúng tôi suy nghĩ, trong chiến tranh nước mình yếu mà vẫn đánh giặc được, tay không, tầm vông vạt nhọn chống lại với súng đạn còn làm được, lúc này tại sao không phát huy tinh thần đó, trước hết là tự lực, tự cường, đi lên từ mảnh đất này, đi lên từ những con người của mình. Tỉnh tìm cách vượt lên thôi, không nghĩ là tiên phong gì đâu, chỉ làm sao để vượt qua khó khăn thôi. Vướng cái gì thì gỡ, gỡ không được thì đề xuất lên Trung ương vì những quy định pháp luật chung khi đó chưa hoàn thiện, đất nước bước từ trong chiến tranh ra nên phải từng bước tháo gỡ.
- Đồng hành cùng DN cũng là tinh thần đổi mới xuất hiện tại Sông Bé, rồi Bình Dương từ rất sớm. Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
- Thời điểm đó, chính sách, luật pháp nói chung chưa được đầy đủ nên nhà đầu tư khi đến cũng gặp khó khăn. Vì thế tỉnh quyết tâm đồng hành với DN với tinh thần DN thắng thì mình thắng. Vướng mắc tại địa phương phải giải quyết ngay, vướng mắc liên quan đến các bộ, ngành Trung ương thì tỉnh không để nhà đầu tư đi giải quyết một mình, mà cử người đi cùng để thuyết phục về các dự án, chương trình, với điều kiện là không để xảy ra tiêu cực. Khi tỉnh chủ trương tạo điều kiện thuận lợi, DN cũng chưa hiểu là tạo điều kiện như thế nào. Khi tỉnh đồng hành với DN ra tận Trung ương, tháo gỡ các khó khăn, DN cảm thấy rất tin tưởng. Chúng tôi nghĩ, DN đến đầu tư, họ muốn làm giàu, địa phương cũng muốn làm giàu, phải hợp tác với nhau, phải giúp đỡ DN hết mình. Các thủ tục thực hiện rất nhanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Vì thế, Sông Bé, rồi sau đó là Bình Dương mới bứt tốc đi lên…
- Thưa đồng chí, Sông Bé rồi Bình Dương đi lên với chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”. Cùng với việc đề ra chủ trương, chính sách phát triển thì sự đồng thuận của người dân là rất quan trọng. Khi đó, nhân dân đã hưởng ứng công cuộc đổi mới tại địa phương như thế nào?
- Sự đồng lòng, ủng hộ của người dân là rất rõ, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Từ chỗ đất đai hoang hóa nhiều, trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, khi có chủ trương giao đất cho người dân sản xuất, khi tỉnh bị nhắc nhở, người dân rất thương và khi lãnh đạo tỉnh không bị khiển trách gì, người dân cũng rất mừng. Điều đó cho thấy rằng, giữa người dân với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền rất gắn bó, chung một chiến hào. Cán bộ bị kỷ luật mà dân thương, cán bộ được xóa kỷ luật thì dân mừng. Cho nên, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân đối với các chủ trương, đường lối phát triển lúc đó là đặc biệt quan trọng. Chủ trương hợp lòng, người dân thể hiện niềm vui mừng ngay. Khi đưa ra các chủ trương, tỉnh đặc biệt chú trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân. Vì thế, các chủ trương mở đường sá, hình thức BOT, tỉnh làm được rất sớm và khá nhanh bởi người dân luôn đồng tình, ủng hộ…
- Sau 25 năm xây dựng, phát triển, Bình Dương hôm nay đã có sự đổi thay lớn lao, đồng chí đánh giá vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?
- Chúng ta đều có thể nhìn thấy Bình Dương hôm nay đổi thay rất nhiều, rất tích cực. Đường sá giao thông đều rất thuận lợi. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên về mọi mặt. Nhìn tổng thể, tôi rất vui. Từ một tỉnh nghèo, Bình Dương trở thành một trong những tỉnh phát triển của cả nước. Nhưng nhìn rộng ra thế giới, chúng ta cũng còn hạn chế nên phải nỗ lực để phát triển nhanh, bền vững hơn nữa.
Bình Dương đã viết tiếp trang sử 25 năm rất đẹp rồi nhưng không được thỏa mãn, bằng lòng với hiện tại, mà phải tiếp tục phát triển mạnh hơn với bước đi mới bằng khoa học, kỹ thuật hiện đại hơn, chất lượng hơn. Muốn có được điều đó, chúng ta phải có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, địa phương. Tôi kỳ vọng và tin tưởng vào một Bình Dương phát triển, cùng với một Việt Nam phát triển sánh vai với bạn bè năm châu…
- Xin cám ơn đồng chí!
THÀNH SƠN (thực hiện)