Khơi thông dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản

Cập nhật: 02-08-2022 | 07:50:09

Với lợi thế là một tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, Bình Dương đang là sự lựa chọn tốt nhất của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Để phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, Bình Dương mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản và Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản cũng đang ủng hộ định hướng đổi mới thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao của Bình Dương.

Gọi vốn hỗ trợ xây dựng giao thông kết nối

Ngay sau khi đoàn công tác Bình Dương do ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại thành phố Tokyo, Nhật Bản, ông Saotome Jun, Giám đốc Ban Đông Nam Á, Vụ Đông Nam Á, JICA trụ sở chính và ông Masuda Chikahiro, Trưởng đại diện Văn phòng Chi nhánh JICA tại TP.Hồ Chí Minh đã đến tìm hiểu về việc đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng giao thông kết nối tại Bình Dương.

Cụ thể, đối với Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 tỉnh Bình Dương nối tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.Hồ Chí Minh từ ga cuối Suối Tiên đến thành phố mới Bình Dương, tỉnh đề nghị Chính phủ Nhật Bản và JICA ủng hộ và tài trợ gói hỗ trợ kỹ thuật khảo sát lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời chấp thuận phương thức đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA từ phía Nhật Bản, phân kỳ đầu tư giai đoạn 2022-2025 và sau 2025. Dự án gồm 2 đoạn, đoạn 1 từ ga cuối Suối Tiên đến ga nút giao Bình Thắng dài khoảng 1,8km và đoạn 2 từ ga nút giao Bình Thắng đến thành phố mới Bình Dương dài 27km.

Ông Nguyễn Lộc Hà (bên phải), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)

Đối với Dự án Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh, Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để sớm hoàn thiện nội dung đàm phán chuẩn bị cho buổi làm việc với JICA tại Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đối với dự án Đường sắt công nghiệp Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép dài 127,45km, Bình Dương kiến nghị Chính phủ Nhật Bản và JICA tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ đề xuất của tỉnh về đầu tư tuyến đường sắt công nghiệp bằng nguồn vốn vay ODA từ phía Nhật Bản.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết thời gian qua, được sự hỗ trợ vốn ODA của JICA, Bình Dương đã đầu tư hoàn thành 2 dự án: Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 1 và giai đoạn 2, giải quyết vấn đề thoát nước và xử lý nước sinh hoạt tại đô thị TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An. Để tận dụng tối đa lợi thế liên kết vùng, Bình Dương đã và đang triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối đầu mối cảng hàng không quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai, cảng biển Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đường cao tốc kết nối tỉnh Bình Phước… tạo tiền đề cho phát triển Logistics và TOD toàn diện (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng). Với mục tiêu trên, tỉnh đã tập trung nguồn lực nội tại, bước đầu hình thành trục đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối hầu hết các khu công nghiệp từ huyện Bàu Bàng, trung tâm thành phố mới Bình Dương ra các cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh.

Sẵn sàng đón vốn vào ngành công nghệ cao

Nhật Bản hiện đứng thứ hai trong 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương với 335 dự án, tổng số vốn 5,86 tỷ đô la Mỹ. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là sản xuất linh kiện điện tử, mạch và chíp điện tử, lắp ráp ô tô, sắt thép, các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ thương mại... Trên địa bàn có một số dự án lớn của tập đoàn như Panasonic, Toshiba, Foster, Tokyu, Fujikura, Aeon Mall…

Mới đây, ông Hashimoto, Chủ tịch Tập đoàn Sharp (Nhật Bản), vừa có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh để trao đổi về kế hoạch mở rộng đầu tư và xây dựng thêm một nhà máy quy mô lớn để sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Bình Dương. Ông Hashimoto cho biết tập đoàn đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các tỉnh phía Nam của Việt Nam, trong đó có Bình Dương để dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi thị trường Trung Quốc. Ông đánh giá Bình Dương là địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn, phù hợp với tiêu chí của Sharp. Hiện tại, tập đoàn đã có 2 nhà máy sản xuất đặt tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP I) và VSIP II mở rộng. Với định hướng phát triển đó, Tập đoàn Sharp mong muốn Bình Dương sẽ hỗ trợ đáp ứng nhu cầu về quỹ đất xây dựng, cung cấp nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện, cũng như những ưu đãi về thuế…

Hiện nay, bình quân mỗi dự án của DN Nhật Bản đầu tư vào Bình Dương đều có vốn trên 20 triệu USD. Đây là con số bình quân cao nhất trong số các quốc gia đầu tư vào Bình Dương. Điều này cho thấy những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… của tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực.

Ông Mai Hùng Dũng hoan nghênh Tập đoàn Sharp đã tin tưởng Bình Dương để mở rộng quy mô đầu tư. Sharp là một thương hiệu lâu đời và uy tín trên thị trường, do đó, lãnh đạo tỉnh rất vui mừng chào đón. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định không ngừng đổi mới để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Trong định hướng phát triển, Bình Dương xác định Nhật Bản là đối tác đầu tư chiến lược. Tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư từ Nhật Bản.

Để tạo điều kiện cho phát triển Logistics thông suốt, các dự án đô thị tại thành phố mới Bình Dương và các dự án TOD trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn do Tập đoàn Tokyu nghiên cứu phát triển, Bình Dương đề xuất Chính phủ Nhật Bản và JICA quan tâm, hỗ trợ thu xếp nguồn vốn ODA và đẩy nhanh công tác triển khai các dự án với tổng vốn vay JICA 543 tỷ Yên..

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1489
Quay lên trên