Những kết quả thiết thực của quá trình tham gia hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Để giải quyết tốt những vấn đề còn hạn chế, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong thời gian tới, UBND tỉnh đã đề ra nhiều nhóm giải pháp nhằm hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế.
Chỉ rõ những hạn chế
Báo cáo chuyên đề “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hội nhập quốc tế” tại Hội nghị tập huấn đại biểu HĐND thành phố và đại biểu HĐND phường nhiệm kỳ 2016-2021 do UBND TP.Thủ Dầu Một tổ chức vừa qua, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, hiện nay về quy mô, kinh tế của tỉnh vẫn còn nhỏ, cơ cấu nội bộ ngành còn bất cập, chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng tuy đã cơ bản được kết nối với các trung tâm phát triển trong tỉnh và với hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng còn chưa thông suốt từ nơi sản xuất đến hệ thống sân bay, cảng biển và nơi tiêu thụ để có hiệu quả tối ưu; chưa phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường thủy, đường sắt trên địa bàn nhằm tạo ra mạng lưới giao thông đa phương tiện. Trong khi đó, hạ tầng xã hội của tỉnh phát triển chưa đáp ứng kịp do dân số cơ học tăng nhanh.
Bình Dương đã đề ra các nhóm giải pháp hướng đến mục tiêu tăng cường hội nhập quốc tế, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Kimco (Khu công nghiệp Đại Đăng, TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Đối với các loại hình dịch vụ, mặc dù đã có bước phát triển nhưng chưa tương xứng tiềm năng của tỉnh, đặc biệt là các dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao và dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị. Về nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển ngày càng tăng của tỉnh. Ngoài ra, trình độ công nghệ sản xuất hàng hóa xuất khẩu của tỉnh còn hạn chế; khả năng ứng dụng công nghệ mới còn chậm, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu...
Về vấn đề môi trường, tuy tỉnh đã chú trọng, tập trung ở những khu công nghiệp và đô thị mới nhưng chưa đồng bộ trong tất cả các cơ sở sản xuất. Riêng đối với ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất ngoài các khu, cụm công nghiệp, hiện chưa được giải quyết triệt để.
Nhiều nhóm giải pháp chính
Để giải quyết những vấn đề còn hạn chế, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã đề ra nhiều nhóm giải pháp chính. Theo đó, đối với nhóm giải pháp cơ chế chính sách, tỉnh tiếp tục xây dựng cơ chế thu hút và khuyến khích đầu tư để phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành nghề và quy định của pháp luật; đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách tỉnh đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là các cơ chế phân cấp, phân quyền và cơ chế huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển trên địa bàn… Song song đó, tỉnh sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách xã hội hóa trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông.
Đối với công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, tỉnh tiếp tục hỗ trợ về cơ chế, chính sách, giám sát chặt chẽ và ban hành những quy định để bảo đảm các cơ sở giáo dục tư nhân sẽ cung cấp dịch vụ đạt chất lượng; nâng cao tay nghề của lao động ở các vị trí hiện tại để tăng năng suất lao động… Theo ông Mai Hùng Dũng, nhằm tăng thêm nguồn đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng ở các bậc học, tới đây UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục; đồng thời tăng cường công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Về công tác thu hút nguồn nhân lực và tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc, xem Bình Dương là quê hương thứ hai của mình, UBND tỉnh sẽ tăng cường đối thoại, tiếp xúc với người lao động và người sử dụng lao động nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động và chủ sử dụng lao động; đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về pháp luật lao động cho cán bộ công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp. Cùng với đó, để khuyến khích các dự án xã hội hóa giáo dục và đào tạo nghề, hàng năm ngân sách của tỉnh sẽ dành ra một khoản kinh phí thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng giao đất sạch cho các tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư thực hiện các dự án xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề.
Bình Dương đã và đang không ngừng đổi mới, coi trọng khoa học - công nghệ, trước hết tập trung vào các khâu trọng yếu, các chương trình phát triển và ứng dụng, đưa tiến bộ khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ; đẩy mạnh việc áp dụng và phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực; đồng thời ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Địa phương đặc biệt quan tâm áp dụng công nghệ mới trong xử lý và tái chế chất thải; ứng dụng công nghệ sản xuất, xây dựng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, năng lượng…
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết chỗ ở cho công nhân lao động. Cụ thể, tỉnh khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân; xây dựng quy chế cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê trên địa bàn. Đối với các hộ dân có nhà trọ cải tạo, nâng cấp khi đăng ký tham gia nhà ở xã hội cần có cơ chế, chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất. Đối với dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân được đầu tư xây dựng mới gắn với khu công nghiệp, được phép dành một phần quỹ đất để xây dựng nhà ở thương mại. Đối với các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên, khi triển
khai lập quy hoạch chi tiết và thực hiện dự án phải dành tối thiểu từ 10 - 20 % quỹ đất xây dựng nhà ở để bố trí xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, tỉnh sẽ nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất Trung ương cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhằm bảo đảm môi trường để phát triển bền vững, UBND tỉnh sẽ đôn đốc các ngành chức năng kiểm tra các nhà đầu tư khu, cụm công nghiệp trong việc đầu tư xử lý, khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng xây dựng chương trình ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu trên địa bàn tỉnh và giải quyết kịp thời các sự cố về môi trường.
PHƯƠNG LÊ