Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, thông qua nhiều cơ chế, chính sách được đánh giá là “đúng” và “trúng,” tạo cú hích thúc đẩy quá trình hồi phục, phát triển kinh tế-xã hội sau một thời gian “vật lộn” với đại dịch COVID-19.
Thông qua 1 Luật, 4 Nghị quyết
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 Luật, 4 Nghị quyết với sự thống nhất cao. Trong đó, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, đưa ra các chính sách hỗ trợ với quy mô, nguồn lực đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ. Thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 - 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Quốc hội đã quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, phương án huy động nguồn lực, việc áp dụng một số cơ chế đặc thù và giao các nhiệm vụ cho Chính phủ.
Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được ban hành có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong trung và dài hạn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, kết nối các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đáng chú ý, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Đặc biệt, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu là thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nghị quyết gồm 10 Điều, quy định thí điểm 8 chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ.
Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã khẳng định các kết quả đạt được của kỳ họp, đồng thời yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 đã được quyết định tại các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khẩn trương ban hành, chủ động quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023); hoàn thành việc tiêm vaccine phòng COVID-19; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng trang thiết bị y tế; chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bảo đảm nội dung, đổi mới cách tổ chức
Các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần này đều được xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp. Do đó, việc bảo đảm chất lượng các nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, thậm chí là quyết định thành công của Kỳ họp. Điều này đã gây áp lực không nhỏ đối với các cơ quan chuyên môn của Quốc hội và cả đại biểu Quốc hội khi thời gian tổ chức kỳ họp ngắn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngay từ khi Kỳ họp thứ 2 đang diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội chủ động chuẩn bị các nội dung dự kiến trình Kỳ họp bất thường.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sau Kỳ họp thứ 2, với sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều cuộc làm việc với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và làm việc với giới chuyên gia về từng nội dung. Một số nội dung được thảo luận ở diện rộng với sự tham gia của các cơ quan liên quan, có nội dung thảo luận ở diện chuyên gia, hết sức chuyên sâu.
Nhiều nội dung đã được Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều vòng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn quán triệt quan điểm dù cấp bách nhưng nếu không bảo đảm chất lượng thì cũng không trình Quốc hội. Do đó, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp hết sức chặt chẽ để bảo đảm chất lượng trình Quốc hội.
Bên cạnh các nội dung trình, hình thức tổ chức kỳ họp cũng được đổi mới. Toàn bộ thời gian họp đều được thực hiện kết hợp trực tiếp tại hội trường và trực tuyến với các đoàn đại biểu ở đầu cầu các tỉnh, thành phố. Đây là hình thức họp phù hợp để đảm bảo công tác phòng chống dịch, nhưng vẫn đạt hiệu quả mà tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Theo hình thức trực tuyến, kỳ họp vẫn bảo đảm đầy đủ các quy trình: thảo luận tổ ở từng đoàn đại biểu; thảo luận trực tiếp tại hội trường kết hợp trực tuyến với các đoàn đại biểu; nghe báo cáo giải trình của các cơ quan liên quan và biểu quyết thông qua những quyết sách quan trọng. Đáng chú ý, việc biểu quyết thông qua các nội dung đều được thực hiện trên hệ thống biểu quyết điện tử của Quốc hội.
Nhiều ý kiến cử tri và đại biểu đánh giá, việc Quốc hội tiến hành kỳ họp bất thường trong bối cảnh hiện nay cho thấy tinh thần đổi mới không ngừng trong phương thức hoạt động của Quốc hội nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; thể hiện sự chủ động, linh hoạt thích ứng trong điều kiện “bình thường mới,” tinh thần trách nhiệm của Quốc hội trước sự phát triển của đất nước, trước cử tri và nhân dân. Diễn ra trong những ngày đầu năm 2022, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, những kết quả đạt được tại Kỳ họp bất thường lần này sẽ góp phần rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 – 2025.
Cử tri, nhân dân tin tưởng, những quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần này sẽ tạo bước đột phá, góp phần đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn, lấy lại đà phát triển.
Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên bế mạc Kỳ họp: "Tinh thần và kết quả của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới, cùng với các chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, đất nước sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc”./.
Theo TTXVN