Với vai trò là Quản đốc Phân xưởng Cơ khí thuộc Chi nhánh Xử lý chất thải, Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase), kỹ sư Mai Văn Hoàng luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong công tác chuyên môn và hoạt động công đoàn. Những sáng kiến, sáng tạo hiệu quả của anh góp phần mang lại hiệu quả kinh tế và công tác bảo vệ môi trường.
Kỹ sư Mai Văn Hoàng bên dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt thành phân compost giai đoạn 3, công suất thiết kế 840 tấn/2 ca
Tốt nghiệp đại học ngành cơ khí chế tạo máy, năm 2008 anh Mai Văn Hoàng vào làm nhân viên tổ cơ khí chi nhánh. Siêng năng, nhạy bén, sáng tạo trong công việc được giao, chỉ sau 1 năm anh đã làm tổ trưởng tổ cơ khí. Năm 2015 anh được đề bạt làm quản đốc phân xưởng. Nếu như năm 2008, tổ cơ khí của anh chỉ 5 - 6 nhân viên thì hiện nay phân xưởng do anh quản lý khoảng trên 120 người.
Năm 2017, Biwase muốn đẩy mạnh phát triển thiết bị cơ khí để phân loại khối lượng lớn rác thải sinh hoạt, ứng dựng làm phân bón nên đã giao phân xưởng cơ khí nghiên cứu, chế tạo dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt thành phân compost (giai đoạn 2), công suất thiết kế 420 tấn/2 ca. Những ngày đầu bắt tay thực hiện, anh Hoàng không tránh khỏi những lo lắng, áp lực.
Anh Hoàng cho biết: “Dự án xử lý rác thải sinh hoạt thành phân compost giai đoạn 1 do Chính phủ Phần Lan tài trợ 8 triệu Euro cùng với vốn đối ứng của công ty. Vì vậy, khi được giao nhiệm vụ, tôi không tránh khỏi những lo lắng, áp lực. Tuy nhiên, chỉ sau 9 tháng, giai đoạn 2 của dự án đã hoàn thành, rút ngắn thời gian hơn so với dự án giai đoạn 1”. Theo anh Hoàng, giai đoạn 2 xử lý rác thải tốt hơn. Bên cạnh đó, giai đoạn 2 chạy gần 3 năm mới phải thay, sửa một số vị trí kỹ thuật, trong khi dây chuyền của dự án giai đoạn 1 đã bị hư hỏng và hầu như thay toàn bộ máy cắt.
Cuối năm 2019, Biwase tiếp tục giao phân xưởng thực hiện dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt thành phân compost giai đoạn 3, công suất thiết kế 840 tấn/2 ca. Anh Hoàng chia sẻ: “Giai đoạn này yêu cầu phải tăng gấp đôi công suất nên tôi rất trăn trở, suy nghĩ. Sau bao lần suy nghĩ, tôi cùng nhóm kỹ sư, thiết kế, nghiên cứu, tính toán thật kỹ đã quyết tâm thực hiện thành công”.
Chỉ sau 6 tháng, từ khi bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế, dây chuyền phân loại rác thô 840 tấn/ngày đã hoàn thành. “Điều đáng nói ở đây, phần thiết kế ở giai đoạn 3 (bản vẽ) hoàn toàn khác giai đoạn 2. Có thể nói ở giai đoạn 3, dây chuyền phân loại rác thô đã “thay máu” hoàn toàn. Đặc biệt, chi phí cho giai đoạn 3 chỉ bằng 1/10 chi phí của giai đoạn 1 và giai đoạn 2, công suất của giai đoạn 3 tăng gấp đôi so với công suất của giai đoạn 2”, anh Hoàng chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện dây chuyền giai đoạn 3, anh Hoàng đã thiết kế ra xe đảo rác để phân loại, giúp tận dụng hết rác thải và rác sau khi xử lý thành phân bón đạt chất lượng như nhau. Đối với rác công nghiệp, anh Hoàng vừa hoàn thành xong lò đốt rác 200 tấn/ ngày. Ngoài ra, anh Mai Văn Hoàng còn hoàn thành công trình thiết kế, thi công lò đốt rác công nghiệp 1.000 kg/giờ và lò 5.000 kg/giờ, máy băm rác công nghiệp 7 tấn/giờ và 10 tấn/giờ, chuyền sàng cát 5 tấn/giờ.
Bên cạnh đó, anh Mai Văn Hoàng còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả cao cho sản xuất và kinh doanh của công ty như áp dụng nguyên lý sàng lồng vào sàng tro, phân loại tro ra nhiều cỡ hạt phục vụ công trình xây dựng. Anh cũng áp dụng thành công nguyên lý sàng rung 1 tầng lưới 2 tần số để tăng hiệu suất sàng phân loại phân compost.
Sự thành công của dây chuyền phân loại rác thô giai đoạn 2, 3 và những công trình thiết kế trên chính là kết quả của sự sáng tạo, sáng chế, sự quyết tâm, vượt qua những khó khăn thử thách của anh Hoàng và nhóm kỹ sư để đi đến thành công.
PHƯƠNG LÊ