Bài 1: Chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam
LTS: Đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Nam Tây nguyên đến Đông Nam bộ là một bộ phận quan trọng hợp thành con đường huyền thoại ở cuối dãy Trường Sơn. Đoạn đường này đã chuyển hàng ngàn đoàn cán bộ và đơn vị quân đội, hàng ngàn chuyến hàng hóa từ miền Bắc vào chiến trường Nam bộ, cung cấp sức người, sức của xây dựng và phát triển tiềm lực kháng chiến góp phần làm nên thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Nhân kỷ niệm 53 năm ngày 2 Đoàn B.90 và C.200 gặp nhau (30.10.1960 - 30.10.2013) tại vàm Đak R’Tik, rừng BuSaYa (tỉnh Đắc Nông ngày nay) khai thông tuyến đường hành lang huyền thoại, báo Bình Dương khởi đăng loạt bài nói về những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ của 2 đoàn này trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Để tạo thuận lợi cho miền Nam nhận được viện trợ về nhân tài, vật lực của miền Bắc, nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là mở con đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, thông suốt từ Trung ương đến chiến trường miền Nam. Trong khi đó, đoạn từ Nam Tây nguyên vào Đông Nam bộ vẫn trong tình trạng chia cắt, còn là một vùng trắng chưa có cơ sở cách mạng trong quần chúng. Vì vậy, Đoàn B.90 ở phía Bắc và C.200 ở phía Nam đã ra đời và làm nhiệm vụ đặc biệt ấy.
Để tạo thuận lợi cho miền Nam nhận được viện trợ về nhân tài, vật lực của miền Bắc, nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là mở con đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, thông suốt từ Trung ương đến chiến trường miền Nam. Trong khi đó, đoạn từ Nam Tây nguyên vào Đông Nam bộ vẫn trong tình trạng chia cắt, còn là một vùng trắng chưa có cơ sở cách mạng trong quần chúng. Vì vậy, Đoàn B.90 ở phía Bắc và C.200 ở phía Nam đã ra đời và làm nhiệm vụ đặc biệt ấy.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn B.90, C.200 cùng đại biểu tham dự hội nghị nghiệm thu đề tài Lịch sử soi mở đường Trường Sơn đoạn Nam Tây nguyên - Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ
Vào những năm 1950, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa cách mạng nước ta sang một thời kỳ mới. Từ đây, nhân dân miền Bắc thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, còn nhân dân miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc tiến tới thống nhất nước nhà. Trong lúc đó, cho rằng mình không bị ràng buộc bởi Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ đã nhảy vào miền Nam dựng lên chính quyền bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm, áp đặt chính sách thực dân kiểu mới. Mỹ - Diệm ra sức đàn áp phong trào cách mạng miền Nam, đặt lực lượng kháng chiến cũ và những người yêu nước ra ngoài vòng pháp luật. Tình hình ấy làm cho chúng ta nhận thấy rõ bản chất của kẻ thù và đi đến khẳng định: Không có con đường nào khác là sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để chống lại đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai. Về hình thức đấu tranh, không chỉ đơn thuần bằng chính trị mà phải chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc đấu tranh vũ trang chắc chắn không thể tránh khỏi.
Tháng 10-1954, Xứ ủy Nam kỳ tổ chức hội nghị đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, trong đó nhấn mạnh: Song song với việc chuẩn bị lực lượng chính trị để tiến hành đấu tranh chính trị với địch, cần chuẩn bị những điều kiện tối thiểu để khi cần thiết thì xây dựng lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang. Từ giữa năm 1956, các đơn vị vũ trang ở Nam bộ lần lượt ra đời dưới nhiều hình thức khác nhau gồm: tự vệ công khai, đơn vị vũ trang tự phát, đơn vị vũ trang bảo vệ các cơ quan Đảng, đơn vị vũ trang Bình Xuyên và các giáo phái đã được cách mạng giáo dục, cảm hóa. Tính đến cuối năm 1959, lực lượng vũ trang tập trung của Bộ Tư lệnh miền Đông và của các tỉnh miền Đông Nam bộ có tổng cộng trên dưới 20 đại đội với hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có khoảng 2/3 lực lượng được trang bị súng các loại.
Trước bối cảnh đó, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) chỉ rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… Lấy lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. Nhiệm vụ chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị có đấu tranh vũ trang để đánh đổ Mỹ - Diệm đặt ra yêu cầu cần phải có sự chi viện toàn diện của miền Bắc cho cách mạng và nhân dân miền Nam, huy động sức mạnh của nhân dân cả nước. Để chi viện hiệu quả, một trong những nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là mở con đường hành lang chiến lược Bắc - Nam thông suốt từ Trung ương đến chiến trường Nam bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho miền Nam tiếp nhận sự viện trợ về nhân tài, vật lực của miền Bắc. Được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 559 (sau gọi là bộ đội Trường Sơn) để làm nhiệm vụ ấy.
Hành lang vận tải, liên lạc từ vĩ tuyến 17 đến Nam Tây nguyên phát triển dựa theo đường mòn sẵn có dọc dãy Trường Sơn được kiến thiết từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong khi đó, trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, từ Nam bộ ra Trung ương và ngược lại, con đường giao liên đường bộ phải đi vòng từ Bà Rịa qua Xuyên Mộc, Hàm Tân, qua miền núi các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, vượt núi Mẹ bồng con, qua đèo Dốc Mỏ để ra vùng tự do Liên khu 5. Đây là con đường núi non hiểm trở, bị địch uy hiếp từng chặng rất gian nan. Riêng đoạn từ Nam Tây nguyên vào Đông Nam bộ đang trong tình trạng chia cắt, còn là một vùng trắng chưa có cơ sở cách mạng trong quần chúng. Các lực lượng kháng chiến đã nỗ lực mở vào vùng này nhưng chưa thực hiện được. Một số đội vũ trang tuyên truyền từ Ninh Thuận vào, từ Khoa Quốc dân thiểu số Quân khu 7 của Đông Nam bộ ra đều bị tổn thất nặng nề, có đội chỉ còn vài chiến sĩ trở về, không gây dựng được cơ sở trong quần chúng.
Để khắc phục tình trạng chiến trường bị chia cắt, tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến hành lang được mở ra thông suốt đến Nam bộ, đáp ứng yêu cầu cấp bách của việc nối liền 2 chiến trường Nam Tây nguyên và Đông Nam bộ, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng và Ban Thống nhất Trung ương quyết định thành lập một đoàn vũ trang đặc biệt, có nhiệm vụ về miền Nam hợp nhất với lực lượng của Đảng bộ tỉnh Đắc Lắc xây dựng cơ sở và soi mở đường vào bắt liên lạc với lực lượng cách mạng của Xử ủy Nam bộ, mở ra và hình thành con đường chiến lược thông suốt Bắc - Nam ở cuối dãy Trường Sơn.
Tại Nam bộ, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, nhu cầu mở con đường hành lang chiến lược để tiếp nhận sự chi viện của miền Bắc nhằm tạo thế và lực cho các lực lượng kháng chiến được đặt ra cấp thiết. Tại hội nghị quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng tháng 9-1959 tại Trảng Chiên (Tây Ninh), Xứ ủy Nam kỳ đề ra nhiệm vụ nhanh chóng mở rộng căn cứ chiến khu Đ ra hướng Đồng Nai Thượng và soi mở đường ra phía Bắc, móc ráp liên lạc với đơn vị mở đường từ Nam Đắc Lắc vào, nối liền hành lang Đông Nam bộ và Nam Tây nguyên. Thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam kỳ, Khu ủy miền Đông chỉ đạo thành lập một đơn vị chuyên trách đảm đương nhiệm vụ.
Từ bối cảnh lịch sử ấy, Đoàn B.90 ở phía Bắc và C.200 ở phía Nam cùng các đơn vị tham gia mở đường và xây dựng cơ sở trên dọc hành lang chiến lược từ Nam Tây nguyên đến miền Đông Nam bộ ra đời. Trải qua gần 1 năm ròng rã, các lực lượng này mới hoàn thành nhiệm vụ, chấm dứt tình trạng chiến trường bị chia cắt và mở ra một vùng rộng lớn, tạo thành căn cứ địa cách mạng vững chắc.
Bài 2: Bản hùng ca mang ten Đoàn B.90
THU THẢO