Kỳ vọng cho một hướng đi mới

Cập nhật: 26-05-2011 | 00:00:00

Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp thì Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) Tiến Hùng được kỳ vọng sẽ mở một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, vì quá mới nên Khu NNCNC này cũng vấp phải nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để Khu NNCNC phát triển.

Nông nghiệp công nghệ cao là cần thiết

Dự án Khu NNCNC Tiến Hùng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4578/QĐ-UBND ngày 23-10-2009, do Công ty TNHH TMSX Tiến Hùng làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện tại xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên với diện tích 90,26 ha. Khoảng 5,5 ha để làm văn phòng quản lý khu; nhà ở cho chuyên gia và người lao động; trung tâm nghiên cứu - phát triển giống gia súc và gia cầm, giống cây nguyên liệu; trung tâm hội nghị; nhà hàng phục vụ các món ăn làm từ sản phẩm của khu...

Ứng dụng công nghệ cao trong việc trồng hoa tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đem lại lợi nhuận cao

Dự kiến, công ty sẽ bố trí 31,2 ha để chăn nuôi gà giống, gà lấy thịt và gà trứng. Sản phẩm cung ứng ra thị trường gồm: gà con giống, trứng gà và thịt. Quy mô chăn nuôi của khu dự kiến lên đến hơn 1 triệu con gà/năm, trong đó có 900 ngàn con gà lấy trứng và thịt. Ngoài ra, công ty còn có 16,5 ha để làm khu chăn nuôi heo theo một quy trình khép kín từ việc chọn lọc và nuôi dưỡng heo giống, cho sinh sản heo con, phát triển đàn heo thương phẩm, đồng thời tái chọn lọc heo giống. Sản phẩm được cung ứng ra thị trường gồm: heo con giống, heo thịt thương phẩm, thịt heo đã qua sơ chế, phân loại, đóng gói. Dự kiến, heo giống: 9.000 con/năm và heo thịt khoảng 25.600 con/năm. Công ty cũng dành 5,6 ha để xây dựng làm khu tập trung, chuyên giết mổ, phân loại, đóng gói và bảo quản thịt heo và thịt gà. Để phục vụ cho việc chăn nuôi tập trung số lượng lớn kể trên, có khoảng 6,5 ha để trồng, thử nghiệm các loại cây nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm phục vụ cho khu chăn nuôi.

Có thể nói, Khu NNCNC Tiến Hùng ra đời trong bối cảnh hiện nay là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn đối với nông nghiệp Bình Dương nói chung và nông nghiệp Tân Uyên nói riêng. Bởi lẽ, không chỉ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động tại chỗ, mà trong tương lai còn mở ra nhiều dịch vụ tiện ích và mang lại tỷ suất lợi nhuận rất cao từ 20 - 30 lần so với chăn nuôi gia súc, gia cầm truyền thống. Bởi thế, Khu NNCNC Tiến Hùng được xem là bước đi đầu tiên để Bình Dương tiến vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ.

Cần tạo điều kiện phát triển

Nhìn rộng ra các địa phương trên cả nước, con số các tỉnh sớm áp dụng NNCNC chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay. Hà Nội là địa phương đi đầu, sau đó đến Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... TP.HCM cũng đã có Khu NNCNC với diện tích 90 ha tại xã Phạm Văn Cội (Củ Chi), tổng mức đầu tư là 152,6 tỷ đồng. Điểm chung, là các Khu NNCNC này ứng dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp, làm cơ sở cho việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, bước đầu phát triển của các Khu NNCNC này là rất khó khăn do các chính sách chung của Nhà nước nhằm tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư chưa có, dẫn đến tình trạng lúng túng, không đồng bộ giữa quy hoạch và thực tiễn phát triển. Ngay bản thân Khu ứng dụng NNCNC Tiến Hùng cũng như thế. Được phê duyệt từ năm 2009 nhưng mãi đến nay, dù rất nỗ lực chạy đua với thời gian nhưng Tiến Hùng vẫn chưa hoàn tất xong các khâu thủ tục cần thiết để đi vào xây dựng nhà xưởng, tiến hành sản xuất.

Ông Lê Việt Hùng - Giám đốc Công ty TNHH TMSX Tiến Hùng cho biết: “Đất đai và con người Bình Dương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển NNCNC. Công ty muốn đưa các ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong nông nghiệp Bình Dương để tăng năng suất, tạo khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu riêng trên thị trường. Tuy nhiên, do vướng nhiều khâu liên quan khác nhau nên dự kiến phải đến tháng 6-2012 mới đi vào sản xuất được”.

Trong buổi khảo sát thực tế tại Khu NNCNC này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam cũng đã chỉ đạo các bên có liên quan tạo nhiều điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư đi vào sản xuất sớm. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên Võ Văn Danh cũng cho biết: “Ngay từ đầu, qua tìm hiểu chúng tôi thấy đây là một mô hình rất hay cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc vận dụng và quản lý chưa có tiền lệ nên chưa có quy định cụ thể nào về Khu NNCNC. Bởi thế, chưa biết xếp khu này vào dạng công nghiệp hay nông nghiệp”.

Rõ ràng, ứng dụng NNCNC là việc làm thiết yếu cần khuyến khích càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cũng cần đồng bộ thực tế trong đầu tư, tránh tình trạng trì trệ hoặc làm khác đi so với dự án ban đầu. Bởi, để NNCNC thực sự mang lại hiệu quả cần phải tạo sự chuyển biến đồng bộ trong cả đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và người nông dân. Các khâu công việc cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Điều quan trọng, làm sao thay đổi được phương thức nuôi trồng của người sản xuất, tư duy theo kiểu công nghiệp.

KHÁNH VINH

Khu NNCNC đầu tiên ở Việt Nam rất nổi tiếng lẫn... tai tiếng nằm trên địa bàn huyện Từ Liêm (Hà Nội) có thể xem là một bài học quý giá cho các địa phương manh nha phát triển NNCNC trong cả nước. Dự án do Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Đầu tư & Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (HADICO) thực hiện. Năm 2004, khi đi vào hoạt động, dự án này được quảng bá là mô hình điểm của Hà Nội trong phát triển nông nghiệp. Tổng vốn đầu tư lên tới gần 20 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố đầu tư hơn 10 tỷ đồng để làm hạ tầng, 8 tỷ đồng còn lại do HADICO tự bỏ ra để nhập nguyên bộ khu nhà kính rộng 8.000m2 từ Israel về.

Chủ đầu tư khi ấy khẳng định, năng suất các loại cây trồng trong khu NNCNC này gấp cả chục lần năng suất trung bình của nông dân Việt Nam. Một ha cà chua có thể cho sản lượng 250 - 300 tấn/năm, ớt ngọt 200 tấn/năm. Cánh đồng công nghệ cao sẽ cho doanh thu 2 tỷ đồng/ha/năm, chứ không phải là cánh đồng 50 triệu đồng/ha mà Bộ NN&PTNT từng phát động.

Thế nhưng, sau 7 năm đi vào sản xuất, Khu NNCNC đầu tiên của cả nước trở thành hoang phế. Hàng loạt khu đô thị mọc lên xung quanh Khu NNCNC, biến nơi đây thành vùng trũng, cứ mưa là ngập, úng. Hiện, dự án đã phá sản hoàn toàn gây thất thoát và thua lỗ hàng chục tỷ đồng.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên