Doanh nghiệp “lao đao” với lãi suất cao!

Cập nhật: 25-05-2011 | 00:00:00

Hai tháng qua, lãi suất huy động (LSHĐ) VND vẫn âm ỉ nóng khiến mặt bằng lãi vay trên thị trường liên tiếp lập nhiều kỷ lục mới. Vào tháng 3 với mức 17 - 18%/năm, rồi tăng lên 20%/năm và hiện nay đã lên hơn 24%/năm. Lãi suất (LS) vay lên cao ngất ngưởng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) đang rơi vào tình trạng đình đốn, có khả năng phá sản nếu tình trạng khó khăn kéo dài.

Theo công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), LSHĐ VND có kỳ hạn của các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 13,5 -14%/năm. Quy định của NHNN về trần LSHĐ 14%/năm vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, LSHĐ “ngầm” hiện tăng lên 16% rồi 18% và hiện nay trên 20%.

Nhiều DN phải “cắn răng” vay ngân hàng với LS lên đến 22-24%/năm để duy trì sản xuất

LS đầu vào ngày càng vượt xa LS trần cho phép (14%/năm), do đó LS đầu ra cũng liên tục leo thang với tỷ lệ tương ứng. Thông tin từ NHNN cũng cho thấy, thời gian gần đây LS cho vay bằng VND của các tổ chức tín dụng ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh là từ 17 - 20%/năm; cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu 14,5 - 17%/năm; đối với lĩnh vực phi sản xuất trung bình từ 20 -23%/năm. Riêng cho vay bằng USD phổ biến ở mức 6 - 7,5%/năm đối với ngắn hạn và 7 -8,5%/năm đối với trung và dài hạn.

Với mức LS trên thị trường như hiện nay, phần lớn các hoạt động sản xuất - kinh doanh của hầu hết các DN không chịu đựng nổi. Phó Giám đốc một công ty TNHH xuất khẩu gốm sứ ở phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An cho biết, chúng tôi đang vay ngân hàng khối Nhà nước với LS ưu đãi 18,5 - 19,5%/năm, với LS đó thì DN không thể chịu đựng nổi huống chi LS tham khảo ở một số NH khác trên 20%. Một vòng tua của DN là 6 tháng, một năm được 2 vòng nhưng đối với DN sản xuất như chúng tôi thì lợi nhuận thu được trên doanh số tối đa là 10% sau khi trừ chi phí, nếu LS 20% thì xem như lỗ chắc.

Cũng do LS VND cao nên nhiều DN đã tìm cách vay USD, song chính sách LS giữa ngân hàng nội và ngân hàng ngoại khác nhau làm DN cũng phải cân nhắc. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Phồn Vinh Nguyễn Thới Hòa Bình cho biết, LS vay bằng USD ở các ngân hàng nước ngoài chỉ 2,5%/năm, trong khi các ngân hàng trong nước là 6 - 8%/năm và LS vay VND khoảng 20%/năm. Với sự chênh lệch nhiều như vậy, rõ ràng DN hoàn toàn không có lợi thế cạnh tranh trong giá bán sản phẩm với các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, do ảnh hưởng của lạm phát, giá điện và giá xăng dầu tăng làm cho các chi phí đầu vào của DN tăng lên đáng kể; để bảo đảm đời sống cho công nhân, từ đầu năm đến nay, công ty đã 2 lần tăng lương cho công nhân. Trong khi đó, giá bán sản phẩm không thể tăng thêm.

Mặt bằng LS cho vay cứ liên tục dậy sóng đang đẩy nhiều DN lâm vào tình trạng đình đốn, thu hẹp sản xuất, không thể chủ động trong hoạt động sản xuất và càng không thể hoạch định chiến lược kinh doanh lâu dài. Tổng Giám đốc Công ty Sao Nam Đỗ Thị Kim Loan nói: “Từ trước Tết Nguyên đán năm 2011 cho đến nay, giá nguyên liệu đã nhiều lần tăng. Chúng tôi định tranh thủ nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, đến khi tìm được nguồn hàng với giá hợp lý, DN không thể xoay xở đủ vốn, vì lô hàng trị giá nhiều tỷ đồng phải được thanh toán theo kiểu mua đứt bán đoạn, vay ngân hàng thì công ty không dám vì LS vay quá cao. Bà Loan nói, với mặt bằng LS cao (trung bình 20%/năm), các DN đã và đang mất rất nhiều cơ hội kinh doanh. Hiện nay, đa số các DN rất ngán ngại vay ngân hàng, khi cần vốn, đành cắn răng vay đủ mua nguyên liệu đáp ứng sản xuất trong thời gian ngắn, không dám mua nguyên liệu để dự trữ. Như vậy, để thanh toán các chi phí, duy trì hoạt động, DN phải đạt tỷ lệ sinh lời khoảng trên 20% và trong bối cảnh hiện nay mức lợi nhuận đó rất khó thực hiện.

T.HỒNG

Chủ tịch Tập đoàn Gỗ Trường Thành VÕ TRƯỜNG THÀNH: DN mong chờ LS giảm

Mục tiêu hàng đầu của Chính phủ trong năm nay là kiềm chế lạm phát, giảm dần LS cho vay để hỗ trợ cộng đồng DN, song thực tế cho thấy tình hình chưa khả quan nếu không muốn nói là lãi suất có xu hướng tăng. Trong những ngày tới, có một số thông tin có khả năng tác động tới thị trường như là chỉ số CPI của tháng 5, tình hình xuất nhập khẩu và những bước đi tiếp theo của NHNN trong việc quản lý tiền tệ... Nếu như chỉ số CPI thực sự thấp trong tháng 5 thì đó là một thông tin tích cực cho cộng đồng DN nói riêng, thị trường nói chung và khi chỉ số lạm phát còn cao thì LS khó kéo giảm!

Tổng Giám đốc Công ty Sao Nam ĐỖ THỊ KIM LOAN: Nhà nước cần trợ lực cho DN

Mặc dù đang thiếu vốn, song nhiều DN cũng phải cân nhắc rất kỹ khi vay, tránh tình trạng lợi nhuận không đủ bù trả LS. Với LS trên 20%/năm mà các ngân hàng đang áp dụng thì khó có ngành hàng nào sản xuất - kinh doanh có lãi. Tình hình hiện nay ngay cả nguồn vốn lưu động để tập trung mua nguyên liệu chúng tôi còn chưa có đủ thì không thể nói đến việc mở rộng đầu tư. Trong giai đoạn hiện nay, song song với vấn đề kiềm chế lạm phát, Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ DN, nhất là vấn đề LS. Việc bảo đảm một môi trường chung lành mạnh, giải quyết các vấn đề bức xúc của DN cũng sẽ tạo điều kiện cho các DN phát triển dài hạn.

Giám đốc Công ty XNK Kim Thành A Lương Ngọc Kim: Không thể để khó khăn kéo dài

Thời điểm này, mục tiêu của DN là cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh chứ không dám tính đến lợi nhuận. Với tình hình hiện nay, 30% DN đang rơi vào khó khăn, số DN còn lại chỉ đủ sức duy trì được từ nay đến cuối năm. Do vậy, nếu để tình trạng khó khăn này kéo dài, thì nguy cơ DN hết vốn, ngừng hoạt động, công nhân thất nghiệp hàng loạt hệ lụy khác sẽ kéo theo...

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=204
Quay lên trên