Tập trung thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới, Bình Dương không chỉ hướng tới trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của cả nước và khu vực Đông Nam Á, mà còn tạo động lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh.
Bình Dương đang tập trung phát triển mô hình KCN xanh, thông minh để đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Trong ảnh: KCN Việt Nam - Singapore
Phát triển hệ sinh thái mới
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 xác định, đổi mới hệ sinh thái phát triển là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm và là khâu đột phá phát triển. Trong nhiệm vụ đổi mới hệ sinh thái phát triển, tập trung chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thông qua đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ hiện đại, cùng với chuyển đổi số rộng rãi trong sản xuất và điều hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả của tăng trưởng. Mục tiêu của nhiệm vụ này cũng nhằm xác định những ngành, lĩnh vực ưu tiên trong thu hút FDI vào tỉnh trong giai đoạn mới.
Theo các nhà đầu tư, Bình Dương có tầm nhìn quy hoạch khá tốt khi hạ tầng liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện; luôn có định hướng kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua các tuyến đường Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn... Hầu hết các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đều được quy hoạch, định hướng xây dựng hiện đại, chất lượng cao.
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng Bình Dương đã chủ động, mạnh dạn nắm bắt thời cơ nhằm khai thác yếu tố thuận lợi về địa lý, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, có môi trường thông thoáng... tạo thương hiệu Bình Dương trong thu hút đầu tư. Tuy vậy, thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao tại Bình Dương vẫn chưa nổi bật. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, Bình Dương cần bổ sung thêm những chính sách mới nhằm gia tăng hiệu quả thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới - Mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ, đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các KCN thông minh, đô thị thông minh sinh thái, bền vững, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, tham gia tích cực vào quá trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Sẵn sàng thu hút đầu tư thông minh
Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế.
Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết giai đoạn 2020- 2025, Bình Dương đặt mục tiêu thu hút 9 tỷ USD vốn FDI với định hướng ưu tiên thu hút đầu tư FDI ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đạt giá trị gia tăng cao. Bình Dương kiên trì quan điểm thu hút FDI có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, trong đó chú trọng đối tác giàu tiềm năng từ châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... để hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tận dụng khả năng lan tỏa tới ngành công nghiệp trong nước.
Ở góc độ nhà đầu tư, bà Bonnie Tu, Chủ tịch Tập đoàn Giant (Đài Loan, Trung Quốc), cho biết ngoài yếu tố vị trí địa lý, hạ tầng đồng bộ, lợi thế của Bình Dương được đánh giá cao chính là tiềm năng và dư địa phát triển của các KCN ngày càng hiện đại. Thời gian tới, Tập đoàn Giant tiếp tục mở rộng sản xuất tại Bình Dương. Ngoài nhà máy có vốn đầu tư 60 triệu đô la Mỹ tại KCN Việt Nam - Singapore 2-A, tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất tại KCN Việt Nam - Singapore 3 với số vốn khoảng 120 triệu đô la Mỹ.
Theo các chuyên gia, việc nâng cấp các KCN hiện hữu, xây mới các KCN xanh, thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, Big Data… giúp nhà đầu tư dễ dàng triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhanh chóng và hiệu quả, góp phần gia tăng năng suất lao động nội tỉnh. Từ đó, giúp Bình Dương tiến tới phát triển các KCN - đô thị - dịch vụ gắn liền với khoa học công nghệ. Đây được xem là mô hình phát triển hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho việc phát triển các KCN, là điểm khác biệt, tạo ra giá trị gia tăng tốt nhất cho nhà đầu tư.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đã thành công trong việc thu hút FDI và là địa phương điển hình về thu hút FDI, phát triển công nghiệp của cả nước. Trong giai đoạn mới, Bình Dương cần hướng đến thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc hơn. Cùng với đó, việc phát triển mô hình KCN đơn thuần sang mô hình KCN xanh, thông minh là định hướng quan trọng để Bình Dương chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, hướng đến thu hút nhà đầu tư thế hệ mới thiên về thâm dụng tri thức, khoa học và công nghệ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn, góp phần xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh, hiện đại và phát triển bền vững.
NGỌC THANH