Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Muốn cho đất nước thịnh vượng thì cần có người tài. Vì thế Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực góp phần xây dựng thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Riêng tại Bình Dương, xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho phát triển giáo dục. Hàng năm, tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trang bị các trang thiết bị theo hướng hiện đại, đồng bộ. Ngân sách đầu tư cho giáo dục được bảo đảm tốt hơn. Năm 2015 dự kiến chi 3.000 tỷ đồng, chiếm 23% tổng chi, tăng gấp 2,5 lần so với đầu nhiệm kỳ. Nhờ được đầu tư có trọng tâm, trường lớp được kiên cố hóa, lầu hóa ngày càng nhiều, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 65% (Nghị quyết 60 - 65%); tỷ lệ giáo viên trên chuẩn là 63,8% (nghị quyết 40 - 45%). Tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp tăng, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Tỉnh tiếp tục duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS và được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển giáo dục đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng kịp thời về số lượng và chất lượng lao động cho nền kinh tế. Quan tâm đầu tư xây dựng trường học mới đồng bộ theo chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên 70 - 75%; khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa để tăng thêm nguồn đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học.
Hiện Sở Giáo dục - Đào tạo đang xây dựng lộ trình thực hiện xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2015-2020, đồng thời tìm giải pháp để thực hiện lộ trình. Sở chỉ đạo các trường THPT, phòng GD-ĐT rà soát 5 tiêu chí quy định trường chuẩn quốc gia để tự đánh giá, nhiệm vụ của từng bộ phận phải thực hiện. Phòng GD-ĐT, các trường THPT phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo để thực hiện. Phấn đấu giai đoạn 2015-2020, tất cả các đơn vị thực hiện việc xây dựng trường chuẩn quốc gia theo đúng lộ trình đề ra.
Từ trước đến nay tỉnh đã có nhiều chính sách để thu hút và kêu gọi xã hội hóa, nhưng để thực hiện tốt hơn giai đoạn tới, tỉnh cần có chủ trương thông thoáng, linh hoạt về các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa để mở nhà trẻ, mẫu giáo (mầm non) trong các khu công nghiệp; các nhà đầu tư được ưu đãi chính sách về xã hội hóa; chính quyền địa phương ưu đãi dành quỹ đất cho các nhà đầu tư.
Với sự chung sức, chung lòng của toàn xã hội, cùng với trách nhiệm cao của ngành giáo dục, tin rằng trong thời gian tới sự nghiệp GD-ĐT tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.
• H.THÁI