Lá phiếu của cử tri!

Cập nhật: 08-03-2016 | 06:30:17

Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 đang được tiến hành và hứa hẹn có nhiều đổi mới để chọn được những đại biểu xứng đáng thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và của mỗi địa phương.

 Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 sắp kết thúc. Sự phát triển của đất nước cũng như mỗi địa phương trong những năm qua đã khẳng định vai trò, vị trí và sự đóng góp lớn lao của các cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương và mỗi đại biểu. Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND các cấp sắp kết thúc, để thấy rằng việc giới thiệu, hiệp thương và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 phải tiếp tục đổi mới trên nền tảng Hiến pháp 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 cũng như thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi.

Ảnh minh họa

Cơ cấu, thành phần, tiêu chuẩn, số lượng đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là những vấn đề hệ trọng quyết định chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử. Hành lang pháp lý cho những vấn đề hệ trọng đã có, nhưng trước khi bầu cử, dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng (trừ vấn đề về tiêu chuẩn đã quy định cụ thể trong luật) người ứng cử đại biểu dân cử cần phải được bàn thảo thêm trên tinh thần tiếp tục phát huy dân chủ, công khai, minh bạch để bảo đảm tỷ lệ hợp lý các đại biểu đại diện cho các ngành, các cấp, các vùng miền, dân tộc, tôn giáo.

Để chọn được nhiều đại biểu dân cử xứng đáng, việc bầu cử ở các cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương đều thực hiện nguyên tắc không phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử. Làm thế nào để người dân chọn được người thay mình quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, của mỗi địa phương? Có lẽ, ngoài việc công khai lý lịch người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử, thì cần tạo điều kiện để họ tiếp xúc với cử tri nhiều hơn. Ngược lại, cử tri cũng cần được tạo điều kiện để phát huy quyền dân chủ trực tiếp trong bầu cử.

Thành công của cuộc bầu cử hay nói đúng hơn là chọn được đại biểu dân cử xứng đáng, tài đức vẹn toàn, phần nhiều phụ thuộc vào lá phiếu tín nhiệm của cử tri. Lá phiếu vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cử tri. Tuy nhiên, sau khi lựa chọn được đại biểu dân cử xứng đáng, thì cử tri vẫn được quyền giám sát lời hứa, trách nhiệm của từng đại biểu. Suy cho cùng, trọng trách mà mỗi đại biểu phải thực hiện là đại diện ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Với trọng trách ấy, tiếng nói của mỗi đại biểu phải là tiếng nói của cử tri, tiếng nói của cuộc sống. Muốn làm được điều đó, mỗi đại biểu phải luôn gắn bó mật thiết với cử tri, hòa mình với dòng chảy cuộc sống, không chịu sự chi phối của lợi ích nhóm, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên hàng đầu.

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=486
Quay lên trên