Những ngày gần đây, nhiều người dân trong tỉnh phản ánh, tuy năm nay chưa xảy ra mưa lớn gây ngập úng nặng như năm 2016 nhưng vẫn gây ngập úng không ít vườn cây, rau màu tại nhiều nơi ven sông trên địa bàn tỉnh. Thông thường mọi năm, vào cao điểm mùa mưa giá hoa màu có tăng lên chút ít, bởi đây là thời điểm khó gieo giống, chăm sóc rau do những cơn mưa thường đến bất ngờ. Theo nhiều người dân ở TX.Tân Uyên, giá rau hiện có tăng lên chút ít so với 2 tháng trước nhưng cũng chỉ bù lại chi phí thiệt hại mà người trồng rau gánh phải do thời tiết thất thường.
Tuy vậy, tại các chợ trên địa bàn tỉnh thì khác, giá rau củ đang tăng cao, từ 20 - 30% so với cách đây 2 - 3 tháng. Nay đi mua hoa màu, nhiều người thường được nghe câu cửa miệng của các tiểu thương: “Thông cảm giùm, rau bị ngập úng nhiều nên giá phải tăng theo”. 2 tháng trước, giá một kg cải ngọt chỉ khoảng trên dưới 20.000 đồng, nay tăng lên 30.000 đồng. Cũng với lý do tương tự, tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, các mặt hàng cá, thịt cũng nhích lên mỗi khi vào mùa mưa. Mặc dù vậy, các siêu thị trên địa bàn tỉnh vẫn đang nỗ lực giữ giá cả các mặt hàng ổn định để thu hút người tiêu dùng đến mua sắm trong mùa mưa.
Được biết, ngoài nguồn cung rau củ quả, thịt cá tại chỗ, Bình Dương còn có các chợ đầu mối nhận nguồn rau củ, cá thịt từ các tỉnh, thành khác đổ về nên các mặt hàng nông sản bảo đảm đủ cho nhu cầu của người dân trong tỉnh. Dù vậy, do tâm lý ngại đi chợ trong mùa mưa của người tiêu dùng khiến mặt hàng thực phẩm, hoa màu của các tiểu thương bị “dội chợ”. Không ít tiểu thương đã tăng giá những mặt hàng này để bù đắp khoảng thời gian “ế ẩm”.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông thường giá rau củ, thịt cá tăng lên trong vài ngày, nhất là thời điểm mưa kéo dài, sau đó giá sẽ giảm xuống. Để đối phó tình trạng “té nước theo mưa”, ban quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh cần theo dõi chặt chẽ tình hình cung cấp, giá cả những mặt hàng thiết yếu, vì sau mùa mưa là đến thời điểm Tết Nguyên đán, giá cả các mặt hàng phục vụ tết cổ truyền lại có dịp tăng theo.
Chợ truyền thống đang bị cạnh tranh gay gắt bởi hệ thống siêu thị, cửa hàng mua sắm tiện lợi. Với kiểu làm ăn manh mún, “té nước theo mưa” của một số tiểu thương đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng và làm giảm niềm tin của “thượng đế”.
HOÀNG PHONG