Làm gì để trường nghề thu hút thí sinh?

Cập nhật: 29-08-2012 | 00:00:00

Kỳ 1: Đầu tư tốt vẫn khó tuyển sinh

Kỳ 2: Những giải pháp thu hút học sinh

Nhiều khó khăn của các trường dạy nghề đến nay từng bước đã được tháo gỡ. Tuy nhiên để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh trong quá trình hội nhập, đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề; đáp ứng nhu cầu xã hội thì các trường nghề cần phải tạo bước đột phá cho riêng mình.   Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hằng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị thăm phòng thực hành trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Đồng An

Nhiều chính sách ưu tiên nhưng học sinh vẫn “ngại” trường nghề?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình tuyển sinh các trường nghề đã cố gắng rất nhiều trong việc tuyên truyền, quảng bá các ngành nghề đào tạo tại trường để phụ huynh và học sinh (HS) có thể biết và lựa chọn những ngành nghề phù hợp. Một số trường cũng có những chính sách ưu đãi, cụ thể trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore có chính sách dành cho HS như: Được xét cấp học bổng theo quy định, giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường, đối tượng HS tốt nghiệp THCS (lớp 9) được địa phương trợ cấp 50% học phí theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và sau khi tốt nghiệp được học liên thông lên bậc đại học (ĐH) cùng chuyên ngành... Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện các chương trình dạy nghề gắn kết với DN, như đưa HS đến thực tập tại DN, làm quen với môi trường sản xuất, kinh doanh và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo đơn đặt hàng của DN. HS ra trường từ các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh đều tìm kiếm được việc làm và được các DN đánh giá đạt về kỹ năng chuyên môn chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn do sự nhận biết của học viên về các trường nghề còn thấp; điều kiện vào các trường chuyên nghiệp dễ dàng; các phụ huynh muốn con em mình vào các trường ĐH...

Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Dĩ An Tô Chí Trí nhận định: Kỳ vọng của cha mẹ HS muốn con em mình theo học ĐH, THPT, vì vậy chưa có quan tâm đến lĩnh vực hướng nghiệp, đào tạo nghề. Mặt khác, khả năng tư duy, định hướng tương lai, tầm hiểu biết của HS còn rất hạn chế, còn phụ thuộc nhiều vào sự áp đặt của phụ huynh. Ngoài ra, số lượng trường ĐH, cao đẳng, THCN, trung cấp nghề... trên địa bàn khá nhiều nên lượng HS bị phân tán, không tập trung. Hiện nay, trường Trung cấp nghề Dĩ An vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh trình độ trung cấp nghề.” Thầy Tô Chí Trí cũng kiến nghị: “Các cơ quan chức năng sớm xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị... theo đúng các kế hoạch, lộ trình đã đề ra để tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với các đối tượng là HS có nhu cầu học nghề. Nhanh chóng phê duyệt đề án nghề trọng điểm (quốc gia - khu vực - quốc tế) để các trường nghề sớm có kế hoạch, triển khai thực hiện kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Cần tăng thêm nhiều hơn nữa cả về lượng lẫn về chất những chính sách ưu tiên quốc gia về phát triển hệ thống đào tạo nghề. Ở tầm vĩ mô, cần có chủ trương, kế hoạch phân luồng cho HS hợp lý có định hướng phù hợp với sự phát triển xã hội; lưu ý nhiều đến tâm tư của các bậc cha mẹ của HS, khả năng tư duy, tầm hiểu biết của HS ở cuối cấp THCS... đối với ý nghĩa thực tiễn của việc phân luồng”.

Làm sao để thu hút học sinh?

Để thu hút được HS phân luồng vào học tại các trường nghề theo đúng quy định của UBND tỉnh, thầy Nguyễn Văn Phinh, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Bình Dương kiến nghị: Đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác phân luồng HS tại các trường THCS để một số HS không đủ điều kiện học tiếp lên cấp III có ý thức và chọn cho mình hướng đi đúng. Tuyên truyền rộng rãi trong xã hội nhất là các bậc phụ huynh để làm thay đổi nhận thức lâu đời chỉ muốn làm thầy không thích làm thợ. Phải có chính sách khuyến khích học tập và đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ những người làm thợ để sao cho thu nhập giữa những người làm thợ và làm công tác hành chính không chênh lệch quá nhiều. Yêu cầu các DN sử dụng lao động phải qua đào tạo.

Phó Trưởng phòng dạy nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Quang Đức nhìn nhận: Định kiến luôn muốn cho con đi học ĐH của các bậc phụ huynh vẫn còn là một rào cản rất lớn cho công tác tuyển sinh vận động các em vào học ở các trường nghề. Chưa được tư vấn khi chọn tương lai của mình, chính sách tiền lương của người học nghề sau khi ra trường chưa thu hút được người học. Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 4808/BGD-GDTX ngày 13-8-2010 về việc giao thêm nhiệm vụ dạy nghề cho các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - kỹ thuật hướng nghiệp ở các huyện, thị xã. Tuy nhiên, tính đến nay vẫn chưa có trung tâm nào tiến hành đăng ký hoạt động dạy nghề. Công tác tổ chức phân luồng còn thiếu sự phối hợp giữa các sở, ngành nên trong những năm qua việc phân luồng HS vào học nghề chủ yếu còn do các cơ sở dạy nghề tự linh động thực hiện. Công tác tuyển dụng, bố trí giáo viên dạy nghề ở các cơ sở gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thiếu cơ chế cho bộ phận tư vấn, tuyên truyền ở các trường nghề.

Để thu hút HS vào trường nghề, theo ông Nguyễn Quang Đức thì: Tăng cường tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp cho HS ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, phải tạo cho HS tính chủ động trong việc chọn tương lai của mình, các em phải xác định được từ hệ thống giáo dục quốc dân để có định hướng học theo lĩnh vực thực hành (học nghề) hay định hướng theo hàn lâm (học ĐH). Tư vấn hướng nghiệp ở đây được hiểu là phải định hướng từ trước, không giống cách làm như hiện nay là gần đến kỳ tuyển sinh thì mới đi tư vấn. Người tư vấn viên phải có kỹ năng tư vấn và theo dõi nguyện vọng về hoài bão của HS và phụ huynh HS. Cần có sự thống nhất cao trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo với lĩnh vực dạy nghề từ cấp quản lý cao đến thấp; phải phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình phối hợp công tác. Có cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt cho HS học nghề đối với những lĩnh vực công nghệ cao như cơ khí chính xác, bo mạch điện tử, cơ điện tử... Cần có cơ chế bắt buộc người hành nghề phải có chứng chỉ hoặc bằng nghề đối với những nghề có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người như: nghề đầu bếp, bảo vệ, giúp việc nhà... Hiện nay, chỉ có nghề lái xe và giáo viên là bắt buộc bởi vì những nghề này có thể ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người và cả thế hệ. Các cơ sở dạy nghề phải có những minh chứng thực sự để quảng bá sản phẩm, nâng cao thương hiệu của mình như: Khi vào học được ưu đãi thế nào, khi ra trường được hưởng mức lương từ phía DN là bao nhiêu, khả năng có việc làm trong thời gian bao lâu...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị:

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2015 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 70% và góp phần đưa Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp trực thuộc Trung ương trước năm 2020, lĩnh vực đào tạo nghề cần phải đổi mới tư duy, cơ chế quản lý; đẩy mạnh xã hội hóa; hướng mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Bên cạnh đó, các trường dạy nghề cần tăng cường công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS trong các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên; tổ chức tuyên truyền, đẩy mạnh công tác tuyển sinh ở các huyện, thị xã, cung cấp đầy đủ các thông tin về các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, cơ hội việc làm, cơ hội học tập để người lao động lựa chọn. Tăng cường củng cố và phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo. Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm phù hợp với khả năng, trình độ của học viên khi ra trường.

VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=342
Quay lên trên
X