Nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế trang trại để làm giàu cho mình, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu là trang trại trồng cây ăn trái của anh Hồ Công Trường (trang trại Đồi Xanh, ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên).
Cán bộ địa phương tham quan vườn cây ăn trái của trang trại Đồi Xanh
Trang trại rộng khoảng 25 ha với những vườn cây ăn trái được phân loại riêng như bưởi da xanh, cam xoàn, quýt đường rộng rãi, xanh mát. Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cây, anh Phạm Tấn Sỹ, quản lý trang trại, cho biết: “Để phát triển kinh tế theo mô hình trang trại hiệu quả, chúng tôi mua lại hơn 2 ha đất trồng cây có múi đã bắt đầu thu hoạch vụ đầu tiên để học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước. Sau hơn 1 năm thu hoạch, khi đã hiểu được kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, chúng tôi mới mạnh dạn mở rộng mua và thuê thêm đất. Đến nay, trang trại mở rộng được hơn 15 ha diện tích cây ăn trái có múi, khoảng 10 ha trồng xen kẽ các loại cây trồng khác”.
Nhằm bảo đảm sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, trang trại trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm của trang trại có logo, có truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác nổi bật. Với thị trường rộng gồm Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, bình mỗi năm doanh thu của trang trại đạt gần chục tỷ đồng. Theo đó, năm 2021, thu hoạch từ cam xoàn đạt 100 tấn/2 ha, doanh thu 2 tỷ đồng, trừ chi phí, thu lãi 450 triệu đồng; bưởi da xanh đạt 70 tấn/6 ha, doanh thu 1,4 tỷ đồng, thu lãi 250 triệu đồng; quýt đường đạt 200 tấn/7 ha, doanh thu 3,6 tỷ đồng, thu lãi 534 triệu đồng. Trang trại phấn đấu sẽ tăng sản lượng thu hoạch mỗi năm. Nhờ hoạt động hiệu quả, trang trại đã giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/công nhân nam/ tháng và 6 triệu đồng/công nhân nữ/tháng, quản lý 10 triệu đồng/người/tháng.
“Hiện nay, việc tiếp thị sản phẩm của trang trại chủ yếu phụ thuộc vào các vựa trái cây nhỏ lẻ và các thương lái giới thiệu. Để hướng tới sự phát triển bền vững, hiệu quả kinh tế cao, trang trại sẽ tích cực quảng cáo trên báo chí, các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, tham gia hội chợ hàng nông sản định kỳ; xây dựng thương hiệu, đăng ký chứng nhận bảo hộ độc quyền, phát triển thị trường tiêu thụ nội địa đi đôi với tìm kiếm thị trường xuất khẩu bảo đảm ổn định, có tính bền vững cao”, ông Sỹ cho hay.
Với những thành công hiện có, trang trại Đồi Xanh còn chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây, phòng ngừa sâu bệnh, kinh nghiệm áp dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất đối với nông dân có nhu cầu đầu tư vào cây ăn trái để giúp nhau ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu. Ngoài ra, trang trại tích cực tham gia đóng góp vào các công trình, chương trình phúc lợi của địa phương như xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn…
“Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, trang trại Đồi Xanh đã đóng góp kinh phí không nhỏ để thực hiện các tiêu chí, như: Điện chiếu sáng, giao thông nông thôn, trồng hoa ven các tuyến đường... Kinh phí từ trang trại Đồi Xanh nói riêng và các đơn vị khác nói chung lớn hơn rất nhiều so với kinh phí của địa phương. Đây thực sự là nguồn lực ý nghĩa cho địa phương. Trang trại Đồi Xanh và các trang trại trên địa bàn xã không chỉ làm giàu cho mình, tạo việc làm cho người lao động mà còn góp phần làm giàu cho địa phương”, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm phấn khởi chia sẻ.
Kinh tế trang trại đã mang lại hiệu quả kinh tế không chỉ cho các chủ trang trại mà còn góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm ở nông thôn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của thị trường. Để nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế trang trại, đại diện trang trại Đồi Xanh nói riêng và các trang trại trên địa bàn tỉnh mong muốn các ngành chức năng tạo điều kiện giúp đỡ cho nông dân về vốn ưu đãi, kiến thức khoa học kỹ thuật, vật tư phân bón... |
TIẾN HẠNH