Làm giàu từ mô hình nuôi trồng tổng hợp

Cập nhật: 06-06-2014 | 00:00:00

Đó là trang trại trồng cao su, nuôi gà, ếch, cá của gia đình anh Đinh Ngọc Khương (sinh năm 1967) và chị Lương Thị Hồng (sinh năm 1973) tại ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo.

Duyên với mảnh đất An Bình…

Nép mình dưới những hàng cao su xanh ngắt là trại gà hở với bốn dãy chuồng có sức chứa khoảng 40.000 con gà, khu chuồng nuôi ếch và cá trê khoảng 50.000 con. Khu chuồng trại được đầu tư bài bản về trang thiết bị cũng như thuê mướn người chăm sóc. Tất cả đều được anh chị nuôi xoay vòng để tiện cho việc chăm sóc và tiêu thụ. Anh Khương cho biết, hiện tại gia đình anh có hơn 10 ha đất trồng cao su tại Bình Dương và Đắc Nông. Do chưa có người trông coi nên anh chỉ đầu tư vốn vào việc chăn nuôi tại Bình Dương. “Tôi xuất phát từ con nhà nông tại vùng đất nghèo Nam Định. Từ nhỏ, tôi đã bôn ba tứ xứ, làm đủ nghề để mong thoát cảnh nghèo. Cái duyên đã gắn tôi với mảnh đất Phú Giáo này - mảnh đất đã cho tôi một người vợ hiền, một mái ấm và một cơ ngơi ổn định”, anh Khương chia sẻ.

Anh Khương cho biết đã đi nhiều nơi, làm đủ nghề từ phụ hồ, khuân vác, làm thợ mộc, trồng rừng, làm rẫy… chỉ mong có cơm ăn đầy đủ và có tiền gửi về phụ giúp gia đình. Năm 1991, anh gặp chị Hồng tại xã An Bình rồi hai người nên duyên vợ chồng. Có chút ít vốn sau khi cưới, sẵn có nghề mộc trong tay anh chị mở một cơ sở làm mộc nhỏ nhưng thất bại. Năm 1994, anh Khương để vợ và con nhỏ tại Bình Dương rồi về Sài Gòn đạp xích lô, chạy xe ôm. Năm 1995, anh ra Nha Trang làm lại nghề thợ mộc. Năm 1996, anh quay vào Đồng Nai làm thuê cho gia đình người bà con rồi đón chị cùng 2 con nhỏ sang và dự tính sẽ lập nghiệp tại đó. Nhưng “cái duyên” với Bình Dương lại quay lại với anh chị thêm một lần nữa. Đầu năm 2000 khi đã tích lũy được một số vốn kha khá, từ nguồn tin của người anh họ về việc trồng cao su tại Phú Giáo, anh chị đã về lại xã An Bình và dùng số tiền tích lũy mua gần 5 ha đất cao su. Vừa trồng cao su vừa trồng tiêu, may mắn đến với anh chị khi được mùa thu hoạch và giá thành cũng ổn định.

… và nên cơ nghiệp

Không dừng lại ở việc trồng cây, anh Khương tiếp tục mày mò rồi mở trang trại nuôi heo kết hợp trồng nấm linh chi. Anh tâm sự: “Thời gian nuôi heo và trồng nấm linh chi, gia đình tôi cũng có thu nhập khá tốt. Đến năm 2006, dịch tai xanh xuất hiện nên thu nhập từ việc nuôi heo của gia đình không còn tốt. Việc trồng nấm của tôi cũng phải dừng lại vì thiếu kinh nghiệm trong khâu xử lý trại nuôi sau mỗi vụ. Tôi quyết định tìm hướng đi mới và mở trại gà hở khi đó là ý nghĩ đầu tiên”.

Đầu năm 2007, anh đầu tư 2,5 tỷ đồng làm trại gà hở và nhận nuôi gà gia công cho một công ty ở Đồng Nai. Sau khi đã có kinh nghiệm nuôi gà trại hở cũng như tìm được thị trường tiêu thụ, anh Khương quyết định ký kết mua con giống tại Công ty Nông nghiệp Sài Gòn để nuôi và tự lực về thị trường tiêu thụ. Kết hợp với nuôi gà, anh nuôi thêm ếch và cá trê. “Ngoài thu nhập từ cây cao su thì việc chăn nuôi gà, cá và ếch đã giúp gia đình tôi rất nhiều trong việc phát triển kinh tế. Lợi nhuận từ việc chăn nuôi giúp tôi đã có điều kiện mua thêm đất trồng cao su tại Đắc Nông. Cùng với đó là hỗ trợ anh chị em xa quê có điều kiện phát triển kinh tế”, anh Khương chia sẻ.

Hiện tại, dù việc chăn nuôi gà của gia đình đã được công nhân lo nhưng anh vẫn không quên để ý quan sát và theo dõi. Theo anh Khương, để tránh các loại bệnh ngoài việc vệ sinh chồng trại thường xuyên, tiêm phòng cũng như khử trùng chuồng trại theo khuyến cáo của chi cục thú y thì kinh nghiệm trong việc theo dõi vật nuôi là rất cần thiết. “Những năm gần đây, dịch cúm gia cầm lây lan khá mạnh nên người nông dân nếu muốn phòng tránh cần phải theo dõi kỹ. Giấc ngủ và phân của gà giúp quan sát để tìm hiểu xem gà có khỏe mạnh hay có bệnh gì không? Việc này rất quan trọng đối với những hộ chăn nuôi trại hở”, anh Khương cho biết.

Ông Trần Văn Lâm - Trưởng ấp Nước Vàng, cho biết trong chăn nuôi hộ gia đình anh Khương luôn tuân thủ các nguyên tắc tiêm phòng, khử trùng nên hiệu quả khá cao. Hộ gia đình anh Khương là một trong những tấm gương làm ăn xa quê điển hình tại địa phương. “Hiểu được cảnh vất vả khi rời quê hương đi làm ăn xa nên cả anh Khương và chị Hồng đều nhiệt tình hỗ trợ những anh chị em ở nơi khác đến đây lập nghiệp, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như động viên để họ an cư lạc nghiệp trên mảnh đất mới”, ông Lâm cho biết.

HẢI YẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=230
Quay lên trên