Giá tiếp tục giảm
Dựa trên phân tích về chính sách tiền tệ tại Việt Nam của Ngân hàng HSBC, việc hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phải là điều ngạc nhiên. NHNN thực thi chính sách tiền tệ chủ yếu thông qua hai cách: Theo dõi tỷ lệ lạm phát cơ bản để xác định lãi suất cơ bản và sử dụng các biện pháp hành chính như một công cụ cơ bản nhắm đến lạm phát. Lạm phát cơ bản đã hạ nhiệt so với đỉnh điểm 15,2% vào tháng 8-2011 (chỉ số so sánh theo năm) xuống còn 12,7% vào tháng 2-2012. Lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản đều đã giảm xuống cộng với sự ổn định của đồng nội tệ chính là điều kiện thuận lợi cho NHNN cắt giảm lãi suất.
Mặc dù đã cắt giảm lãi suất nhưng lạm phát tiếp tục được kiềm chế xuống còn một con số từ nay cho đến cuối năm vì 3 lý do: Nhu cầu trong nước giảm, tăng trưởng tín dụng thấp và mức giá cả phù hợp. Hiện tượng lạm phát tăng kéo dài trong năm 2011 đã khiến người tiêu dùng trở nên cẩn trọng hơn trong chi tiêu trong năm nay. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát năm 2011 tăng nhanh là cơ sở cho việc lạm phát năm nay không thể tăng cao hơn nữa. “Nếu giá dầu không tăng quá 140 USD/thùng, chúng tôi tin rằng việc tăng giá xăng sẽ không có ảnh hưởng gì đến lạm phát 2012”, chuyên gia của HSBC phát biểu.
Chuyên gia này nói tiếp: “Có nhiều lý do để chúng ta phải lo ngại về vấn đề tiền tệ như lạm phát hai con số, lãi suất thực âm và thâm hụt thương mại quá lớn. Tuy nhiên, tình hình vẫn đang có những chuyển biến tích cực. Đến thời điểm này vẫn chưa thể kết luận những rủi ro đó có làm suy yếu đồng nội tệ hay không và chúng tôi dự đoán tỷ giá USD/VND sẽ chỉ ở mức 21.500 vào cuối năm. Tuy nhiên, nếu những chỉ báo này vẫn tiếp tục được cải thiện thì đồng nội tệ sẽ trở nên thu hút hơn với các nhà đầu tư”.
Giá xăng tăng tác động không đáng kể
Là một quốc gia xuất khẩu dầu thô, nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 9,7 tỷ đô la dầu trong năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc khi giá dầu tăng như gần đây, Việt Nam sẽ thu lợi từ hoạt động xuất khẩu nhưng vẫn chịu thiệt từ phía nhập khẩu. Việc giá xăng dầu leo thang gần đây buộc Nhà nước phải tăng trợ cấp xăng dầu hoặc đẩy chi phí cao đó cho người tiêu dùng. Bộ Tài chính đã tăng giá xăng lên 10% vào ngày 7-3 vừa qua do quỹ trợ cấp đang cạn dần. Động thái này diễn ra cùng lúc với việc cắt giảm 1% lãi suất.
“Theo quan điểm của chúng tôi, giá dầu tăng không ảnh hưởng nhiều đến chiều hướng đi xuống của lạm phát toàn phần. Một điển hình phản ánh giá cả xăng dầu đó chính là chi phí vận chuyển, chiếm 8,9% trong danh mục hàng hóa của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Do đó, mức tăng 10% của giá xăng dầu lần này chỉ có tác động rất nhẹ đến chỉ số giá tiêu dùng toàn phần. Hơn nữa, Chính phủ vừa qua đã miễn giảm một số thuế cho hoạt động nhập khẩu năng lượng. Bộ Tài chính cũng đã miễn giảm thuế nhập khẩu cho gas (trước đây là 5%), dầu diesel (3%), dầu lửa (3%) và xăng động cơ (4%). Điều này có nghĩa là các nhà phân phối sẽ giảm được chi phí nhập khẩu xăng dầu trong thời gian tới nếu như giá cả không tăng lên nữa. Thêm vào đó, giá cả thực phẩm vốn chiếm 40% danh mục hàng hóa của chỉ số giá tiêu dùng cũng đã giảm mạnh bù lại cho việc giá dầu leo thang. Mặc dù trong một vài tháng tới việc tăng giá dầu sẽ còn tạo ra những hiệu ứng phụ nhưng nhu cầu tiêu thụ thấp cũng sẽ bù lại cho những ảnh hưởng này”, chuyên gia của HSBC nhận định.
Lạm phát sẽ giảm
Trong 6 tháng tới, lạm phát cao năm ngoái với tốc độ tăng trung bình mỗi tháng 2% (có sự điều chỉnh yếu tố mùa vụ) từ tháng 3 đến tháng 5-2011 sẽ giúp kiềm chế lạm phát năm nay xuống thấp. Biểu đồ lạm phát sẽ không đi lên cho đến tháng 11-2012 khi chỉ số lạm phát theo năm dự kiến sẽ có chiều hướng đi lên. Tuy nhiên, nếu nhu cầu vay vốn vẫn thấp, đồng nội tệ vẫn ổn định và không có “cú sốc nguồn cung” đáng kể nào thì lạm phát mục tiêu toàn phần có thể sẽ giảm trước tháng 11. Chuyên gia HSBC cho rằng, trong giai đoạn này, riêng hiệu ứng về lạm phát cao năm ngoái sẽ có tác động làm giảm mạnh chỉ số lạm phát năm nay. Sau đó, phụ thuộc vào những yếu tố khác như giá điện và giá xăng dầu tăng cũng như những thay đổi đột biến về nhu cầu và tiền tệ thì mới ảnh hưởng đến lạm phát.
Về sự điều chỉnh của yếu tố mùa vụ, giá cả tháng 2 đã giảm trung bình 0,4% so với 0,6% của tháng 1; giá cả thực phẩm tháng 2 giảm trung bình 0,2% so với 0,5% của tháng 1... Việc giá cả giảm mạnh so với dự kiến cho thấy chính sách thắt chặt tiền tệ, nhu cầu tiêu dùng hạ nhiệt cùng với những hiệu ứng lạm phát cao năm 2011 sẽ cùng nhau duy trì áp lực lạm phát năm nay ở mức thấp. Do vậy, lạm phát sẽ được kìm chế ở mức một con số trong năm nay.
HÀN NGÂN