Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, công tác đền ơn đáp nghĩa được Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương quan tâm thông qua việc quan tâm, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công (NCC) với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Việc làm này của tỉnh thể hiện sự tri ân đối với những người đã góp phần đem lại hòa bình cho đất nước.
Ông Trần Văn Nam (thứ hai, từ trái sang), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm hỏi bà Lê Thị Tư, vợ liệt sĩ tại phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một
Thực hiện tốt các chính sách
Nhìn lại một năm tuyên truyền công tác đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, chúng tôi còn nhớ hình ảnh lãnh đạo tỉnh và các địa phương đến thăm, tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, NCC với cách mạng vào những dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27- 7), Tết Nguyên đán 2017. Ấn tượng nhất đó là hình ảnh lãnh đạo tỉnh nắm tay, động viên các mẹ, những NCC với các mạng sống vui, sống khỏe để thế hệ trẻ tiếp tục được phụng dưỡng, tri ân. Trước sự quan tâm đó của lãnh đạo tỉnh, bà Lê Thị Tư, vợ liệt sĩ (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) xúc động nói, chồng hy sinh trong kháng chiến, một mình bà gồng gánh nuôi con khôn lớn. Hòa bình lập lại, gia đình bà được Đảng, Nhà nước, địa phương quan tâm nên cuộc sống gia đình ổn định, con cái học hành cao và có công ăn việc làm. Niềm vui, hạnh phúc của bà kéo dài mãi khi lễ, tết có người đến thăm, con cháu tề tựu.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Qua lại 1 năm thực hiện công tác “đền ơn đáp nghĩa”, năm 2018, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NCC; tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước quy định về thực hiện chế độ ưu đãi với NCC; biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến trong công tác “đền ơn đáp nghĩa”; thực hiện xã hội hóa sâu rộng các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”. |
Ấm lòng người đang sống
Tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập cho dân tộc, năm qua công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ được triển khai thực hiện. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà chính là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim của những thế hệ đi sau để làm ấm lòng người đã khuất, cũng như người đang sống. Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, mong mỏi lớn nhất của nhiều gia đình, đồng đội là sớm tìm thấy được các hài cốt liệt sĩ còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ. Chính vì vậy, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đều được tỉnh kiên trì thực hiện và đạt kết quả cao. Chỉ tính riêng năm 2017, nhóm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tìm kiếm, quy tập được 139 hài cốt liệt sĩ tại TX.Bến Cát, huyện Dầu Tiếng và TX.Tân Uyên. Riêng tháng 12 này, nhóm đã tìm được 10 bộ hài cốt tại ấp Đồng Sến, xã Định An, huyện Dầu Tiếng; 1 hài cốt tại thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng; 1 hài cốt ở xã Phú Chánh, TX.Tân Uyên. Tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức lễ truy điệu, an táng 2 đợt 104 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TX.Bến Cát.
Tri ân những những người đã khuất, ngành LĐ-TB&XH còn lập giấy xác nhận mộ liệt sĩ đang quản lý gửi cho gia đình liệt sĩ 498 trường hợp. Xác định danh tính cho các anh, ngành LĐ-TB&XH cũng đã gửi mẫu giám định ADN 13 trường hợp và thông báo kết quả giám định ADN 7 trường hợp. Tỉnh cũng đã xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ, đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh các liệt sĩ ở các xã, phường, thị trấn. Tất cả các phần mộ liệt sĩ nằm ở các nghĩa trang liệt sĩ đều được xây kiên cố, ốp đá granite sạch đẹp và trang trọng. Một số nghĩa trang còn gắn đèn điện chiếu sáng về đêm trên các phần mộ, đồng thời được các cơ sở Đoàn nhận chăm sóc thường xuyên.
THIÊN LÝ