Khá nhiều lần nghe Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương nói câu này và hình như lần nào tôi cũng thấy… “nhột”! Tức là tự thấy mình đọc chưa là bao, hiểu biết hạn hẹp so với kho tàng sách đồ sộ mà con người cần đọc, cần biết.
Tặng sách nhân Ngày Sách Việt Nam 21-4. Ảnh: Q.NHƯ
Các hoạt động kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam 21-4 năm nay diễn ra đến đầu tháng 5. Những cuộc hội thảo, hội chợ sách, triển lãm sách là dịp để người “mê sách” tìm cho mình những cuốn sách hay. Đây cũng là dịp động viên, khích lệ văn hóa đọc xem ra đang ngày bị mai một bởi chi phối nhiều phương tiện nghe, nhìn, giải trí phong phú hiện nay.
Trong buổi nói chuyện về sách với các đại biểu và giảng viên, sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một mới đây, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng đã nói về lịch sử sự hình thành chữ viết, sách viết của phương Đông và phương Tây. Sách là tri thức của nhân loại và cũng là “người thầy không biết cằn nhằn bất cứ học trò nào”. Theo lịch sử phát triển của sách, từ năm 3500 trước công nguyên, người Sumerian với bảng đất sét ghi chép lại những điều xung quanh họ, có thể coi là “trang sách đầu tiên”. Năm 2400 trước công nguyên người Ai Cập đã phát minh ra giấy làm từ cói, sau đó được người Hy Lạp và La Mã sử dụng… Từ khi hình thành sách cho đến năm 2007, đọc sách trên mạng Amazon đã cho con người một trải nghiệm mới và cũng là một quá trình phát triển không ngừng về sách. Cho đến năm 2012 thì tất cả sách có thể được số hóa làm cho mọi người có thể đọc sách mọi lúc mọi nơi với thiết bị điện tử gọn, nhẹ…
Nhưng đọc sách trên giấy in theo cách truyền thống vẫn có sức hấp dẫn riêng, khó có thể thay thế được. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hiếu Học, người được mệnh danh là mê sách và là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bình Dương. “Em có facebook nhưng ít mất thời gian cho nó. Em chỉ lên mạng xem ban cán sự lớp có thông báo gì xong là offline. Em cũng không thích đọc sách trên mạng mà thường đi nhà sách mua những quyển sách cần cho ngành học của mình, sách dạy kinh doanh để làm giàu thêm kiến thức cho mình và hữu ích cho công việc sau này”. Em Dương Thị Thùy Trang, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết.
Trở lại với những lợi ích từ việc đọc sách mà Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng đã phân tích. Theo ông, có những quyển sách hấp dẫn đến nỗi chúng ta chỉ đọc một đêm bởi “không thể đặt sách xuống”. Những điều lợi của việc đọc sách mang lại có thể kể như: Não bộ làm việc tốt hơn, giảm bớt căng thẳng mà chúng ta thường nói bệnh stress - căn bệnh hiện đại, làm giàu kiến thức, vốn ngôn ngữ được mở rộng và tất nhiên từ đó nói, viết lưu loát, trôi chảy hơn. Đọc sách cũng giúp chúng ta tư duy tốt hơn và trên hết là tìm được sự yên tĩnh trong cuộc sống vốn quá ồn ào, chộn rộn này…
Ông cũng giới thiệu một số quyển sách hay cần đọc như: Luận ngữ của Mạnh Tử, Binh pháp Tôn Tử, Thánh kinh Koran, Đạo đức kinh, Harry Potter, Cuốn theo chiều gió… Đó là những quyển “cơ bản” để hiểu về con người, các nền văn hóa Đông Tây nhiều hơn. Riêng với các bạn trẻ, ông cho rằng, 3 quyển sách cần đọc nhất “nếu muốn giúp đời, giúp người, góp chút công sức cho đất nước này” là: Quốc gia khởi nghiệp (câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel); Khuyến học của nhà tư tưởng lớn Nhật Bản Fukuzawa Yukichi và Nghĩ giàu làm giàu của Napoleon Hill. Điều rất đáng mừng là khi ông giới thiệu 3 cuốn sách này, các bạn sinh viên đã truyền tay nhau ghi tựa sách để tìm đọc. Như thế, sách vẫn có sức hút mạnh mẽ, chưa bị quay lưng bởi những trò vui “ảo” khác!
Lần cuối bạn đọc sách khi nào, đừng để thiếu sách bởi không “nạp thêm tri thức từ sách, tâm hồn bạn cũng khô hạn như cây không được tưới nước vậy”, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng thường khuyến học, khuyến đọc bằng một câu đơn giản như thế!
QUỲNH NHƯ