Lào Cai: Phụ nữ dân tộc thiểu số phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 09-07-2024 | 14:25:34

Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã xác định tập trung phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Trong quá trình đó, phụ nữ vùng đồng dân tộc thiểu số đã thể hiện rõ vai trò trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập tại chỗ.


Các giá trị văn hóa truyền thống được phụ nữ dân tộc thiểu số ứng dụng phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù địa phương.

Những người nắm giữ di sản

Trước hết, cần phải nhận thấy phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức đời sống của một gia đình, từ việc sinh đẻ, nuôi con, chăm sóc gia đình cho tới tham gia làm kinh tế. Di sản văn hóa được sản sinh từ chính trong đời sống thường ngày và được tích lũy, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, phụ nữ là những người trực tiếp tham gia, lưu giữ và trao truyền các giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng như: dân ca, dân vũ, ẩm thực, thêu hoa văn, dệt thổ cẩm, lấy và làm lá thuốc, đan lát một số sản phẩm thủ công...

Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số còn là những người trực tiếp thực hành hoạt động nấu ăn nuôi sống cả gia đình, là người chuẩn bị các lễ vật dâng cúng trong các nghi lễ. Do đó, họ là người nắm giữ kho tàng văn hóa về ẩm thực của tộc người, từ các cách tìm kiếm nguyên liệu, chế biến thức ăn, bày biện tới một số thực hành văn hóa liên quan đến món ăn, những quan niệm của tộc người về các món ăn.

Sống ở địa bàn vùng núi, với điều kiện biệt lập lập, những người phụ nữ dân tộc thiểu số xưa đều biết tự dệt thổ cẩm, thêu hoa văn, khâu may quần áo, chăn,... - những đồ thiết yếu phục vụ cho đời sống gia đình. Người Tày ở Nghĩa Đô quan niệm rằng phụ nữ Tày phải biết dệt vải, thêu mặt chăn thổ cẩm và đã dành những câu rất nặng nề để phê phán những người phụ nữ không biết dệt vải như “Đàn bà lười làm vải mốc ghe”, “Phụ nữ không biết dệt mặt chăn thổ cẩm/Khác gì nuôi ngựa cái chỉ biết thồ”. Người Mông ở Sa Pa cho rằng “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu, gái xinh chưa biết cầm kim là hư”,….

Trong hầu hết văn hóa các tộc người, dệt vải, thêu hoa văn là tiêu chí của một người con gái đẹp. Do đó, tất cả những người phụ nữ dân tộc thiểu số đều nắm giữ những bí quyết của nghề dệt vải, nhuộm chàm, thêu hoa văn. Họ tự làm những bộ trang phục cho người thân trong gia đình, Ngày nay, mặc dù các sản phẩm may sẵn khá nhiều và tiện dụng nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn tranh thủ những khoảng thời gian rảnh rỗi hay lúc nông nhàn để làm trang phục mặc trong các dịp lễ, Tết. Họ luôn mang theo bên mình để có thể thêu bất cứ lúc nào.

Phụ nữ còn là những người nắm giữ vốn dân ca dân vũ của dân tộc mình. Phụ nữ Mông có cả một kho tàng những bài hát ru, hay giao duyên, hát khi đi làm nương,… Với phụ nữ Tày là những bài hát yếu, hát then; phụ nữ Giáy là điệu múa khăn, những bài dân ca…


Hằng năm, người dân tổ chức nhiều lễ hội truyền thống độc đáo.

Những người phụ nữ Dao thông thuộc tất cả các loại cây thuốc. Bên cạnh việc làm nương, cấy lúa trên ruộng bậc thang, dệt vải, thêu hoa văn, họ còn lên rừng lấy lá thuốc để làm các món ăn bổ dưỡng cho gia đình, làm các vị thuốc chữa bệnh cho người thân, cho cộng đồng.

Có thể nói, phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số là người nắm giữ kho tàng di sản văn hóa phong phú, là vừa là chủ thể của kho tàng văn hóa đó, đồng thời cũng là nguồn lực, là tiềm năng để phát huy trong phát triển du lịch ở địa phương

Nòng cốt của du lịch cộng đồng

Trong nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung xây dựng các câu lạc bộ, đội văn nghệ thôn bản, tổ dân phố vừa nhằm mục tiêu phát triển văn nghệ quần chúng ở cơ sở, vừa thúc đẩy bảo tồn di sản văn hóa và gắn kết phát triển du lịch. Tính đến nay, trên toàn tỉnh có gần 1.000 câu lạc bộ, đội văn nghệ. Đặc biệt, trong khuôn khổ Dự án số 6 về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có gần 20 câu lạc bộ văn nghệ dân gian được thành lập và khoảng 40 đội văn nghệ được hỗ trợ để bảo tồn vốn dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc, phục dựng, xây dựng một số chương trình tiết mục phục vụ các hoạt động du lịch của địa phương.

Thành viên của các câu lạc bộ chủ yếu là nữ giới. Chị em tranh thủ thời gian nông nhàn hay buổi tối để cùng nhau tập luyện. Cúc - một cô gái người Giáy - phấn khởi nói với tôi rằng, chị em ở thôn Tả Van Giáy đã tập luyện và xây dựng được các tiết mục văn nghệ truyền thống của người Giáy để phục vụ các hoạt động của thôn, cũng như phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu. Cúc rất vui và tự hào vì được học những điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Còn các bà các chị ở Nghĩa Đô (Bảo Yên) dưới sự hướng dẫn của cô San - nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã - đã hăng say tập luyện chuẩn bị cho chương trình biểu diễn phục vụ lễ hội được tổ chức vào dịp 30/4, 1/5. Mỗi buổi diễn văn nghệ phục vụ khách có giá khoảng 2 triệu đồng.

Phụ nữ là lực lượng tham gia chủ yếu vào việc thực hiện các dịch vụ ở Homestay như nấu nướng phục vụ du khách. Đây không chỉ là hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu ăn uống của du khách khi đi du lịch mà còn là một hoạt động trải nghiệm văn hóa của địa phương. Đến với điểm du lịch ở Nghĩa Đô, du khách sẽ được trải nghiệm những món ăn ngon, mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày. Ngoài ra, chị em còn khéo léo làm ra các sản phẩm ẩm thực phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách như: xôi 7 màu, bánh dày, thịt treo gác bếp, thịt trâu sấy,...

Đến Tả Phìn, một hình ảnh thường thấy là chị em phụ nữ cùng nhau tụ vào nhóm 5-7 người, vừa trò chuyện, vừa thêu hoa văn. Khi có khách du lịch, họ sẽ ngỏ lời được dẫn khách đi thăm bản, kết thúc chuyến đi, họ mời khách mua những sản phẩm do mình làm ra. Trường hợp khách không mua, họ vẫn rất nhiệt tình và vui vẻ. Hiện nay, có rất nhiều dự án đầu tư phát triển các hợp tác xã thổ cẩm ở vùng người Dao, chị em phụ nữ tham gia các hợp tác xã và thực hiện các đơn hàng làm đồ khăn, áo hay các đồ lưu niệm khác để cung cấp cho các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Phụ nữ người Dao còn có một hệ thống tri thức về cây thuốc tắm. Họ đi lấy cây thuốc tắm và làm thuốc tắm phục vụ du khách khi đến thăm bản hay mua về để sử dụng.


Phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lào Cai ứng dụng các giá trị văn hóa truyền thống vào khai thác phát triển du lịch rất hiệu quả.

Có thể nói, với việc nắm giữ các di sản văn hóa, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai đã biết phát huy các di sản văn hóa đó để phục vụ phát triển du lịch. Một số phụ nữ đã trở thành chủ cơ sở Homestay, chủ hợp tác xã và hơn nữa là chủ của một doanh nghiệp. Điển hình như bà San - chủ Homestay ở Nà Khương (Nghĩa Đô, Bảo Yên), bà Sói - chủ Homestay ở Tả Van (Sa Pa), chị Tẩn Tả Mẩy, chủ nhiệm hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ, nơi phát triển các loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cây thuốc truyền thống của người Dao, chị Lý Mẩy Chạm và hợp tác xã thổ cẩm ở Tả Phìn, chị Tẩn Thị Su - Giám đốc điều hành một doanh nghiệp xã hội về du lĩnh vực du lịch ở Sa Pa,... và rất nhiều chị em phụ nữ ở khắp các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

Việc phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với nông thôn vùng núi của tỉnh Lào Cai - nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú đặc sắc. Để thực hiện tốt những mô hình này, bên cạch các chính sách hỗ trợ đầu tư cho các hộ gia đình tham gia hoạt động làm du lịch, cần quan tâm đến vai trò của phụ nữ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch.

Theo baolaocai.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2440
Quay lên trên