Lấp lánh một chữ hiếu

Cập nhật: 08-08-2014 | 09:17:33

Tấm lòng hiếu thảo của hai người mà tôi đã gặp thật đặc biệt. Bị mù mắt, không những lo được cho bản thân mà họ còn nuôi được ba mẹ. Tâm họ thật sáng khi đạo hiếu luôn hiện diện…

 

 Anh Tâm chuyện trò cùng ba sau khi đi làm về

 

Phải vượt qua nghịch cảnh để ba mẹ không buồn

Đó là suy nghĩ của anh Hồ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Người mù TX.Thuận An. SN 1965 trong gia đình có 6 người con ở An Thạnh, TX.Thuận An, dù nghèo nhưng anh vẫn được gia đình cho học hành tử tế ở trường Đại học An ninh Hà Nội. Ra trường, anh về công tác tại Phòng An ninh kinh tế của Công an tỉnh (Sông Bé cũ). Đang là một thanh niên khỏe mạnh với tương lai đang rộng mở, công việc đáng mơ ước, năm 1991, trong một lần đi công tác, anh Tùng bị tai nạn. Sau lần đó, anh bị mù 2 mắt không thấy gì nữa.

Tỉnh dậy trong bệnh viện với 2 mắt không còn như trước đây, anh Tùng cho biết đã bị sốc hoàn toàn. Tinh thần sụp đổ và anh muốn chết đi cho xong. May sao bên anh luôn có người thân. Chị Nguyễn Thị Kim Loan, người mà anh quen từ khi đi làm đề tài tốt nghiệp về chống trộm cắp mủ cao su ở Công ty Cao su Bình Long cũng một mực theo chăm sóc anh dù gia đình chị có lo ngại, ngăn cản. Bên cạnh đó là tấm lòng của bạn bè, đồng đội. Nhưng trên hết là anh nghĩ về ba mẹ đã sinh ra mình, nuôi con lớn lên nay chưa báo đáp gì đã xuôi tay cho định mệnh là bất hiếu. Sau một thời gian điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM và tiếp tục điều trị ở nhà, anh Tùng đến sinh hoạt tại Hội Người mù TX.Thuận An. Bắt đầu học chữ nổi năm 1994 và từ đó, anh chiến đấu với bản thân mình, phải tiếp tục sống hiếu thảo, có ích cho xã hội.

 

 

 Gia đình nhỏ của Hương - Phong vui hơn khi có mẹ

 

Ngồi bên ba đã 90 tuổi, anh Tùng kể: “Nhà tôi có 6 anh chị em. 4 người con đầu được theo họ ba nhưng chị kế và tôi là con út phải lấy họ mẹ bởi hồi đó ba tôi phải khai tử, trốn lính. Mẹ tôi tên Hồ Thị Mắng, tôi lấy họ mẹ còn ba tôi là Nguyễn Văn Niệm”… Là con út nên anh Tùng ở với ba mẹ. Nay mẹ anh đã mất, vợ chồng anh tiếp tục nuôi dưỡng ba. Ba anh Tùng bị bệnh cao huyết áp, thỉnh thoảng nhớ trước quên sau và phải uống thuốc điều trị lâu nay. Người chị của anh trước làm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh lo phần thuốc thang cho ba. Những anh chị em khác có gia đình ở riêng thỉnh thoảng mới về thăm. Riêng vợ chồng anh lo cho ba từng bữa ăn, giấc ngủ, ngày đo huyết áp 3 - 4 cử và nhắc nhở ba uống thuốc đúng giờ.

“Nhờ người vợ hiền, dâu thảo như vợ tôi nay tôi mới được như vậy”, anh Tùng vẫn cho là mình may mắn mới có được người vợ tảo tần. Sau ngày bị mù, anh hưởng chế độ bệnh binh 1/3, tỷ lệ mất sức lao động 81%. Số tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước cho anh và cho vợ (người nuôi bệnh binh) cộng với tiền lương và tiền trợ cấp người già của ba anh tất cả khoảng hơn 9 triệu đồng/tháng. Để lo cho gia đình 5 người là chật vật nên anh Tùng phụ vợ chăn nuôi thêm. Đi làm về anh chăm sóc ba và làm những việc nhẹ nhàng như quét nhà, bằm chuối cây, làm vườn… Trong chuồng có 5 con heo nái và mấy chục con heo thịt là nguồn thu nhập chính để anh lo cho gia đình.

Mẹ sẽ ở hoài với em…

Sau nhiều năm cật lực làm việc, hai vợ chồng mù là Hồ Thị Ngọc Hương và Nguyễn Hoài Phong, nhân viên mát xa của Hội Người mù tỉnh đã có được căn nhà nhỏ, đơn sơ nhưng ấm cúng. Ở đó, Hương còn nuôi mẹ của mình bởi “mẹ chỉ ở với em, không làm gì có thu nhập nên em phải lo cho mẹ, đó là đạo hiếu, là lẽ đương nhiên mà chị”, Hương chia sẻ chân tình như thế.

Mẹ của Hương là bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh nay đã hơn 60 tuổi. Bà quê ở Đồng Nai, từ ngày Hương lấy chồng về Bình Dương, sinh con trai đầu lòng tới nay, bà ở luôn với vợ chồng Hương. “Mẹ ở với em từ hồi còn thuê căn nhà trọ hơn chục mét vuông cho đến khi dọn về nhà mới được mấy tháng nay”, Hương kể và nói thêm: “Ba mất từ khi em còn nhỏ. Mẹ ở vậy nuôi 3 chị em. Chị gái lấy chồng ở riêng. Em trai thì mất vì tai nạn giao thông năm 23 tuổi. Mẹ em bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng sau cái chết tức tưởi của con trai. Em đã an ủi mẹ thật nhiều và đưa mẹ về sống chung. Giờ em chỉ lo làm việc kiếm tiền, lo gia đình và nuôi mẹ”…

Mỗi ca mát xa 60 phút, nhân viên được chia khoảng 20.000 đồng/vé. Cộng thêm tiền khách “bo” tùy theo ngày ít hay nhiều khách. Tổng thu nhập của hai vợ chồng mù khoảng gần 6 triệu đồng/tháng. Ngày lễ tết, khi các bạn nghỉ ở nhà thì Hương lấy vé số đi bán dạo kiếm thêm thu nhập. Mẹ của Hương nói bà rất hài lòng về con gái, con rể. Chưa bao giờ bà phải bận lòng vì con cái đối xử không tốt. “Thương con mù lòa vì bị sốt từ khi mới 4 tuổi, mình sinh con khỏe mạnh mà nó bị vậy đau lòng lắm. Gia cảnh lại quá nghèo, ở Đồng Nai tôi có nhà tình thương nhưng sống một mình, nhớ chồng, nhớ con trai đã mất buồn quá nên về sống với vợ chồng nó được gần chục năm nay…”.

Khi mà xã hội vẫn còn những người con bất hiếu, ngược đãi ba mẹ thì họ, những người mù mà tôi gặp vẫn giữ gìn đạo hiếu…

 

 QUỲNH NHƯ

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=390
Quay lên trên